Tổng thống Pháp bác bỏ khả năng từ chức

[ad_1]

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bác bỏ khả năng rời Điện Elysee, bất luận đà tiến của đảng cực hữu hay kết quả cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ra sao.

“Hiến pháp không được viết bởi đảng Mặt trận Quốc gia (RN) và họ cũng không đại diện cho tinh thần của hiến pháp”, Tổng thống Macron bình luận với tạp chí Figaro ngày 11/6, khi được hỏi về khả năng RN chiến thắng bầu cử quốc hội Pháp rồi yêu cầu ông từ chức.

“Thiết chế nhà nước Pháp rất rõ. Vai trò của tổng thống cũng được quy định rất rõ, bất luận kết quả bầu cử thế nào”, ông nói thêm.





Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Berlin, Đức, vào ngày 26/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Berlin, Đức, vào ngày 26/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Macron ngày 9/6 tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, sau khi các đảng cực hữu giành kết quả vượt trội ở cuộc bầu chọn đại biểu Pháp vào Nghị viện châu Âu (EP).

Quốc hội là cơ quan tương đương Hạ viện trong lưỡng viện Pháp, với các đại biểu được bầu theo phổ thông đầu phiếu.

Nếu đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia giành đa số ở quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử, ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, gồm cả chính sách kinh tế và an ninh quốc gia.

Ông Macron cũng phản bác những chỉ trích rằng mình đã sai lầm khi đột ngột giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử. Ông tin mình lựa chọn đúng đắn và khẳng định “chỉ nghĩ đến lợi ích của đất nước”, tuyên bố sẵn sàng tranh luận công khai với lãnh đạo RN Marine Le Pen, đồng thời kêu gọi cử tri dũng cảm bỏ phiếu.

Trong khi đó, các khảo sát cử tri Pháp cho thấy RN có khả năng sẽ giành được nhiều ghế nhất tại quốc hội sau hai vòng bầu cử lần lượt vào ngày 30/6 và 7/7, nhưng khó trở thành phe áp đảo.

Khảo sát của hãng Toluna Harris Interactive cùng các kênh truyền hình Challenges, M6 và RTL cho thấy đảng cực hữu có thể thắng 235-265 đại biểu quốc hội, tăng vọt so với kết quả 88 nghị sĩ trong cuộc bầu cử năm 2022.

Liên minh trung hữu, dẫn dắt bởi đảng Phục hưng của ông Macron, có thể giành được 125-155 ghế, giảm gần một nửa so với năm 2022. Các đảng cánh tả sẽ giành được khoảng 115-145 ghế.

Trong nỗ lực phá thế chân vạc giữa các phe và thành lập liên minh cầm quyền, đảng cánh hữu Người Cộng hòa (LR) đã tuyên bố bắt tay với RN trong cuộc bầu cử sắp tới.

Lãnh đạo LR Eric Ciotti phát biểu trên đài truyền hình TF1 rằng đảng của mình sẽ hợp tác cùng các ứng viên RN, “nhưng sẽ không thay đổi lập trường riêng”. Ciotti cũng xác nhận ông đã thảo luận thành lập liên minh với bà Marine Le Pen và Chủ tịch RN Jordan Bardella.

Le Pen ca ngợi quyết định của ông Ciotti là “lựa chọn dũng cảm”, thể hiện “tinh thần trách nhiệm”, kêu gọi các thành viên khác trong đảng cánh hữu ủng hộ sáng kiến này. Đảng LR có sức ảnh hưởng lịch sử trên chính trường Pháp, có mối liên hệ với ba đời tổng thống gồm Charles de Gualle, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy.

Trong khi đó, Bruno Retailleau, lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng LR tại Thượng viện Pháp, chỉ trích ông Ciotti phát ngôn không qua tham vấn với toàn đảng, nhấn mạnh “đảng chính trị không xoay quanh một cá nhân duy nhất”.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, thành viên cấp cao của LR, tuyên bố cá nhân ông “sẽ không bao giờ nuốt trôi” thỏa hiệp với lực lượng cực hữu.

“Eric Ciotti phát ngôn ở tư cách cá nhân. Ông ấy cần rời ghế chủ tịch đảng ngay lập tức”, Olivier Marleix, lãnh đạo nhóm nghị sĩ LR tại quốc hội Pháp, tuyên bố.

Tổng thống Macron đã giành chiến thắng trước bà Marine Le Pen trong cả hai cuộc bầu cử lần lượt vào năm 2017 và 2022. Do hiến pháp quy định ông Macron chỉ có thể đảm nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp và không thể tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2027, bà Le Pen đang được đánh giá là ứng viên sáng giá cho cuộc đua vào Điện Elysee.

Tổng thống Pháp là người đứng đầu nhà nước, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và giữ quyền lực cao nhất nhánh hành pháp. Tổng thống có quyền chỉ định thủ tướng và thông qua đó quyết định thành viên nội các. Tuy nhiên, đảng kiểm soát quốc hội cũng có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các, từ đó buộc tổng thống phải thỏa hiệp trong quyết định bổ nhiệm thủ tướng nếu không muốn chính phủ bế tắc.

Thanh Danh (Theo AFP, Reuters)


[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *