[ad_1]
Tập luyện trong điều kiện mát mẻ khiến tôi sớm sập nguồn khi vào race dưới tiết trời oi nóng của mùa hè trong lần đầu chinh phục cự ly 42,195km tại VnExpress Marathon Huế 2024.
Trải nghiệm chạy bộ của tôi bắt đầu từ khoảng giữa 2022, khi cảm thấy cơ thể dần nặng nề với trọng lượng 76 kg. Khi đó, chạy bộ với tôi là con số không tròn trĩnh – không kinh nghiệm, không kiến thức, không tích lũy. Chạy vài trăm mét đã thở hổn hển, thậm chí có lúc muốn nôn khan.
Nhưng sau một thời gian tập rồi lần lượt thử sức với các cự ly 10km, 21km ở các giải tại Quảng Bình, Hà Nội, từ cuối năm 2023, tôi bắt đầu nghĩ đến mục tiêu chinh phục full marathon (FM) và tập theo giáo án. Để tăng quyết tâm, tôi “xuống tiền” mua bib VnExpress Marathon Huế 2024 hồi đầu năm nay.
Để chuẩn bị cho cữ FM đầu đời, tôi bắt đầu tăng cường độ tập luyện và mileage, với bốn đến năm buổi mỗi tuần, chú trọng vào các bài long run. Sau một số bài chạy dài tốt, tôi thậm chí mạnh dạn đặt mục tiêu sub3.30 tại Huế. Nhưng đời không như là mơ, cũng vì thiếu kinh nghiệm khi tham gia FM, nên ngay lần đầu tôi đã trượt mục tiêu mình đề ra, một cách thê thảm.
Lúc tôi bắt đầu tập luyện FM, thời tiết tại Hà Nội còn là mùa đông và mùa xuân, với nền nhiệt khoảng từ 15 đến 23 độ – lý tưởng cho việc chạy bộ nhất là khi thực hiện các bài chạy dài từ 25 đến 30 và 35 km. Nhưng khi giải diễn ra tại Huế ngày 21/4, thời tiết tại đây khắc nghiệt hơn nhiều vì vào đầu hè, nền nhiệt độ cao, lên đến 33-35 độ C kèm độ ẩm không khí khá cao. Khác biệt thời tiết giữa lúc tập và raceday khiến cơ thể tôi không thể thích nghi, vì thiếu những bài tập heat (tập chạy với cường độ cao dưới thời tiết nắng nóng).
Khó khăn bắt đầu từ khoảng chục km đầu tiên khi nhịp tim của tôi cao hơn mức bình thường. Vượt mốc 21km, tôi xác định từ bỏ mục tiêu sub3.30 (tức pace trung bình phải luôn ở mức dưới hoặc xấp xỉ 5:00 (5 phút mỗi km), hạ nhịp độ xuống với kỳ vọng sẽ theo “kế hoạch B” dự phòng, với mức thành tích sub4 (tức pace chậm nhất 5:40). Nhưng tôi cũng chỉ giữ được pace cho mục tiêu đó đến km thứ 30, khi “đàn chuột” kéo đến khiến đôi chân tôi bị co rút tới mức không thể chạy, phải nhờ sự hỗ trợ y tế dọc đường, với xịt lạnh và giãn cơ.
Khi biết chắc sẽ vỡ nốt kế hoạch B, tôi nảy sinh tâm lý chán nản, muốn DNF. Nhưng lúc ấy, một suy nghĩ trong đầu hiện lên, rằng “đây là FM đầu đời, nên mày không thể bỏ cuộc được”. Suy nghĩ đấy lặp đi lặp lại, giúp tôi tĩnh tâm, cố gắng vừa chạy chậm xen lẫn đi bộ để hoàn thành nốt cuộc đua, với kết quả 4 giờ 51 phút 38 giây.
Dù vậy, cảm giác đôi chân như tê liệt mất cảm giác, có thể kiệt sức đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh của tôi gần một tháng sau cuộc thi. Đấy là chưa kể đến cảm giác kiệt quệ kéo dài thêm vài ngày sau race, khi toàn thân đau nhức và đôi chân lê lết đến đi lại còn khó khăn. Lúc đó, tôi đã có suy nghĩ “mày đã dại một lần rồi, đừng dại thêm nào, đừng chạy thêm cữ marathon lần nào nữa”. Suy nghĩ này kéo dài hơn hai tuần, trước khi cảm giác “ngứa chân” khiến tôi xỏ giày đi chạy lại, và dần lấy lại cảm hứng.
Bài học mà tôi rút ra sau lần gãy mục tiêu ở FM đầu đời là khi tham gia một giải đấu, có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả. Tập đủ theo giáo án về mileage vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu về thành tích nếu thời tiết không thuận lợi – nắng quá nóng, độ ẩm quá cao, hoặc mưa to… Thế nên, để có thể đạt thành tích tốt, bạn cần thêm các bài tập trong điều kiện khắc nghiệt để cơ thể có thể chịu đựng được thử thách khi vào race, hoặc cũng có thể chọn các giải diễn ra vào mùa phù hợp với cơ thể mỗi người. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng để có thể tốt lên, chúng ta phải rèn cho cơ thể chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt.
Độc giả Thanh Tài
Source link