Thủ tướng Pháp ‘quyết làm mọi cách’ để ngăn phe cực hữu trỗi dậy

[ad_1]

Thủ tướng Attal cam kết với đảng cầm quyền sẽ “làm mọi cách để ngăn điều xấu nhất” trong cuộc đấu với phe cực hữu ở bầu cử quốc hội.

“Tôi sẽ làm tròn nghĩa vụ công dân của đất nước này, làm mọi cách để ngăn điều xấu nhất xảy ra”, Thủ tướng Gabriel Attal phát biểu vào ngày 11/6 trong cuộc họp kín với các đại biểu quốc hội thuộc đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron.

Ông nhấn mạnh cuộc bầu cử quốc hội lần này, dự kiến tổ chức hai vòng vào các ngày 30/6 và 7/7, có tính chất gay cấn và lịch sử hơn cuộc bầu cử năm 2022 vì “lực lượng cánh hữu cực đoan đã đến trước cánh cổng quyền lực”, theo tiết lộ từ các trợ lý của Thủ tướng Attal.

Tổng thống Macron ngày 9/6 tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, sau khi các đảng cực hữu giành kết quả vượt trội ở cuộc bầu chọn đại biểu Pháp vào Nghị viện châu Âu (EP). Thủ tướng Attal đã không được báo trước, dẫn đến việc ông không xuất hiện trên truyền thông để bình luận về kế hoạch này, theo Le Monde.





Thủ tướng Pháp Gabriel Attal phát biểu tại Quốc hội vào ngày 3/6. Ảnh: AFP

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal phát biểu tại Quốc hội vào ngày 3/6. Ảnh: AFP

Khi biết tin vào phút chót, Thủ tướng Attal đã cố gắng cảnh báo Tổng thống Macron về những rủi ro chính trị nếu tổ chức bầu cử quốc hội sớm.

BFMTV tiết lộ ông Attal còn đề nghị từ chức để giảm sức ép lên đảng Phục hưng. Tuy nhiên, đề xuất này bị ông Macron từ chối vì cho rằng ông Attal có vai trò quyết định với chiến dịch vận động cử tri của đảng Phục hưng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Phát biểu với các đại biểu quốc hội thuộc đảng cầm quyền, ông Attal chỉ trích quyết định của Tổng thống Macron “đột ngột” và “tàn nhẫn”, đặt ông vào tình thế phải dẫn dắt đảng tranh cử quốc hội quá sớm. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ “làm tròn nghĩa vụ thủ tướng và phục vụ nhân dân Pháp đến giây phút cuối cùng”.

Quốc hội là cơ quan tương đương Hạ viện trong lưỡng viện Pháp, với các đại biểu được bầu theo phổ thông đầu phiếu.

Nếu đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia giành đa số ở quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử, ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, gồm cả chính sách kinh tế và an ninh quốc gia.

Đảng kiểm soát quốc hội cũng có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các, buộc tổng thống phải thỏa hiệp trong quyết định bổ nhiệm thủ tướng.

Năm 1997, tổng thống Jacques Chirac, vốn là chính trị gia cánh hữu, cũng từng hy vọng chặn được đà thắng của phe cánh tả trên chính trường bằng cách giải tán quốc hội và bầu cử sớm. Tuy nhiên, các đảng cánh tả cuối cùng vẫn giành được đa số tại quốc hội Pháp và ông Chirac phải làm việc cùng thủ tướng thuộc đảng Xã hội là Lionel Jospin.

Lần gần nhất Pháp tổ chức bầu cử quốc hội là vào năm 2022, trong đó đảng Phục hưng của Tổng thống Macron giữ 169 ghế trên tổng số 577 ghế, trong khi đảng Mặt trận Quốc gia giữ 88 ghế.

Thanh Danh (Theo AFP, Le Monde, Telegraph)


[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *