[ad_1]
Trong quy trình bình duyệt của một tạp chí uy tín ít nhất sẽ có một lần thông báo bằng email nhằm xác nhận thông tin các thành viên, do đó việc đưa tên một người vào danh sách nghiên cứu phải có lý do.
Mới đây, bài báo khoa học “Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries” trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research thuộc Nhà xuất bản Springer, bị gỡ. Bài báo đề cập đến khám phá mối liên kết giữa sự mở cửa thương mại và sự phát thải CO2 ở tám quốc gia đang phát triển (D8). Trong số các tác giả đứng tên có một giáo sư người Việt là GS.TS Võ Xuân Vinh (tác giả thứ 5), hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP HCM, từng là thành viên Hội đồng khoa học ngành kinh tế của Quỹ Nafosted giai đoạn 2016-2021.
Hôm 10/5, Đại học Kinh tế TP HCM nêu, bài báo xuất bản trực tuyến ngày 13/4/2021 và tạp chí khoa học này gỡ hôm 14/3. Lý do bài báo chứa một số cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases), bao gồm cả trong tiêu đề. Đây là bài báo được bình duyệt bởi biên tập viên khách mời được tạp chí tổng điều tra, rà soát.
Theo bản tường trình, GS Vinh cho biết ngay sau khi phát hiện bị lạm danh, ông chủ động liên hệ Tổng biên tập tạp chí từ ngày 15/2 – một tháng trước khi bài báo bị gỡ bỏ (tức sau gần 3 năm kể từ khi bài báo xuất bản). Ông Vinh khẳng định không liên quan đến bài báo, quy trình nộp bài báo, không đồng ý và không cho phép việc tên mình ở mục tác giả của bài báo. Ông cũng đề nghị tạp chí xóa tên mình ra khỏi bài báo.
Khi công bố rút bài, nhà xuất bản cho biết, Mohammed Musah – tác giả gửi bài báo không đồng ý với quyết định rút bài. Các tác giả còn lại Kaodui Li, Stephen Antwi, Jonas Bawuah, Yusheng Kong và Mary Donkor không phản hồi thông báo. Riêng hai tác giả Isaac Mensah và Joseph Agyemang, không thể liên lạc.
Trao đổi với VnExpress, PGS.TS Nguyễn Đình Quân, trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM thông tin, Environmental Science and Pollution Research là tạp chí có trụ sở tại Đức. Tạp chí này có chỉ số trích dẫn tăng rất nhanh và bền vững từ 20 năm qua, là tạp chí Q1 có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) khoảng 5.5. Trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học – môi trường, đây là tạp chí uy tín vào loại trung bình khá.
Với tạp chí dạng này, quy trình bình duyệt thường qua hai vòng. Vòng thứ nhất, Ban biên tập xem xét sơ bộ bản thảo để đánh giá sự phù hợp với tiêu chí và có đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật soạn thảo hay không. Vòng hai, gửi cho 3-5 chuyên gia phản biện (thường là 3). Nếu tác giả thỏa mãn các câu hỏi phản biện của các chuyên gia, theo nguyên tắc bài báo sẽ được chấp thuận đăng sau một số sửa đổi (nếu được yêu cầu).
Ông cho hay việc một người tự ý thêm tên nhà khoa học khác, dù sao cũng là sự bất thường và khó hiểu. “Nếu đây là một sự cố ý của người nộp bài báo, mục đích rõ ràng không trong sáng, liêm chính học thuật”, ông nói. Việc bài báo bị gỡ ảnh hưởng đến uy tín của cả tác giả lẫn tạp chí.
Còn một giáo sư hiện là thành viên Hội đồng khoa học Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted), cho biết với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và công bố quốc tế, rất khó có khả năng một bài báo khoa học đăng gần 3 năm mà nhà khoa học mới biết mình có tên trong nhóm và xin xóa tên. Bởi một bài báo từ khi nộp đến khi xuất bản, các tạp chí ít nhất một lần gửi thông báo bằng email thông báo tất cả thành viên nhóm dựa trên thông tin người đứng đầu bài báo cung cấp. Email này gửi trước khi bài báo xuất bản để xác nhận thông tin các thành viên lần cuối. Người đứng đầu tác giả bài báo sẽ xác nhận với nhà xuất bản được sự đồng ý của các thành viên, chịu trách nhiệm về việc này.
Theo giáo sư này, xu hướng hiện tại ngày càng nhiều nhà xuất bản còn yêu cầu nhóm khai báo thông tin đóng góp từng thành viên để xác định mức độ tham gia từng người. Điều này nhằm hạn chế việc đứng tên trong bài báo nhằm mục đích tăng uy tín cá nhân nhà khoa học và nhà trường trên các bản xếp hạng học thuật.
Một tiến sĩ nghiên cứu khoa học cơ bản về hóa trường đại học tại TP HCM cũng nhìn nhận, Environmental Science and Pollution Research là một tạp chí chuyên về môi trường ở thứ hạng khá tốt thuộc danh mục Q1/Q2. Ông cho biết khi đăng bài báo khoa học, nhà xuất bản sẽ gửi email thông báo đến tất cả thành viên trong nhóm. Trường hợp không tham gia, thành viên có thể yêu cầu tạp chí gỡ tên ra. Tuy nhiên, theo ông, việc này rất khó xảy ra vì người đứng tên đầu trong danh sách sẽ thông báo cho các thành viên, đồng ý đứng tên. Vì khi bài báo đăng, thông tin các thành viên có cả họ tên, đơn vị công tác từng người. “Khi đưa tên một người vào danh sách nghiên cứu phải có lý do”, vị tiến sĩ nói.
Theo cổng thông tin tra cứuSpringerLink (thuộc nhà xuất bản Springer-Nature), tạp chí Environmental Science and Pollution Research bài báo bị gỡ do kết quả điều tra cho thấy bài báo này nằm trong một nhóm bài có một số điều đáng lo ngại, bao gồm quy trình bình duyệt bị lũng đoạn; do trích dẫn các tài liệu tham khảo không phù hợp hoặc không liên quan; chứa nhiều cụm từ không chuẩn hoặc không nằm trong phạm vi của tạp chí. Dựa theo kết quả điều tra, nhà xuất bản và tạp chí không còn tin tưởng vào các kết quả và kết luận của bài báo.
Theo Quyết định số 224, năm 2017 của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted), nhà xuất bản Springer thuộc danh mục tạp chí quốc tế có uy tín.
Như Quỳnh – Hà An
Source link