[ad_1]
Tổng thống Mỹ đề xuất áp bộ quy tắc đạo đức và giới hạn nhiệm kỳ với thẩm phán Tòa án Tối cao, thay vì giữ vị trí trọn đời.
Nhà Trắng ngày 29/7 công bố chi tiết đề xuất cải cách Tòa án Tối cao Mỹ của Tổng thống Joe Biden. Theo đó, ông đề nghị mỗi thẩm phán sẽ chỉ có nhiệm kỳ 18 năm thay vì trọn đời như quy định trong Hiến pháp và tổng thống đương nhiệm cứ hai năm một lần sẽ bổ nhiệm một thẩm phán mới thay thế.
Ông chủ Nhà Trắng lập luận rằng việc giới hạn nhiệm kỳ sẽ giúp đảm bảo Tòa án Tối cao được thay đổi thành viên một cách thường xuyên hơn, quá trình đề cử thẩm phán mới cũng trở nên dễ dự đoán hơn.
Tổng thống Biden cũng muốn thiết lập một bộ quy tắc đạo đức dành cho các thẩm phán, yêu cầu họ phải công bố các quà tặng bản thân nhận được, tránh tham gia hoạt động chính trị công khai và không tham gia xét xử các vụ án mà họ hoặc vợ/chồng họ có xung đột lợi ích về tài chính hoặc các vấn đề khác.
Ông Biden còn kêu gọi sửa đổi hiến pháp để đảo ngược phán quyết mang tính bước ngoặt hồi tháng 7 của Tòa án Tối cao. Hội đồng thẩm phán khi đó xác định các cựu tổng thống được hưởng quyền miễn tố với hoạt động công vụ, song quyền này không áp dụng với các hành động cá nhân.
Quyết định này đã khiến quá trình xét xử cáo buộc cựu tổng thống Donald Trump tìm cách lật kèo bầu cử hồi năm 2020 bị trì hoãn thêm. Ứng viên đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ không phải ra tòa trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Tổng thống Biden dự kiến phát biểu về đề xuất cải cách Tòa án Tối cao của mình tại Thư viện Tổng thống LBJ ở thành phố Austin, bang Texas, vào tối nay theo giờ Mỹ, nhân kỷ niệm 60 năm ngày ban hành Đạo luật Dân quyền.
Đề xuất được ông Biden đưa ra trong bối cảnh các thành viên đảng Dân chủ đang ngày càng bất mãn với Tòa án Tối cao, sau khi hội đồng thẩm phán ra phán quyết đảo ngược các quyết định mang tính bước ngoặt về quyền phá thai và quyền điều chỉnh của chính quyền liên bang trong các vấn đề về y tế, môi trường, an toàn lao động và bảo vệ người tiêu dùng, vốn đã có hiệu lực trong nhiều thập kỷ.
Các thành viên đảng Dân chủ cũng cho rằng một số thẩm phán bảo thủ trong Tòa án Tối cao có những mối quan hệ và quyết định đáng ngờ, gây ảnh hưởng tới tính khách quan khi ra phán quyết. Tòa án Tối cao Mỹ hiện có tổng cộng 9 thẩm phán, trong đó 6 người thuộc phe bảo thủ, còn lại là phe tự do.
Dù vậy, AP nhận định khả năng đề xuất của ông Biden được quốc hội thông qua là rất thấp, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là tới ngày bầu cử. Lần cuối cùng quốc hội Mỹ phê chuẩn việc sửa đổi Hiến pháp là năm 1992.
Cựu tổng thống Trump hồi đầu tháng gọi ý tưởng cải cách Tòa án Tối cao của ông Biden là hành động tuyệt vọng của phe Dân chủ nhằm “đóng vai trò trọng tài”. Ông cáo buộc đảng của ông Biden đang tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tổng thống, tấn công nền tư pháp và các đối thủ chính trị.
Trong khi đó, Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ Dân chủ đến từ bang Massachusetts, hôm 28/7 cho biết đề xuất cải cách của ông Biden là lời nhắc nhở với người dân Mỹ rằng “khi họ bỏ phiếu vào tháng 11, Tòa án Tối cao cũng có tên trong lá phiếu”.
“Đó là lý do nên bỏ phiếu cho Phó tổng thống Kamala Harris và đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện”, bà nói.
Phạm Giang (Theo AP)
Source link