Nhiều cựu cán bộ khai sớm nhận ra ông Trịnh Văn Quyết ‘tăng vốn bất thường’

[ad_1]

Hà NộiĐọc hồ sơ của Faros, cựu vụ trưởng Lê Công Điền khai nhận ra bất thường tăng vốn quá nhanh, đã yêu cầu giải trình nhưng bị khiếu nại vì “gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Qua ba ngày xét xử vụ án liên quan cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, HĐXX TAND Hà Nội dần làm sáng tỏ quá trình nâng khống vốn và niêm yết 430 triệu cổ phiếu của Công ty Faros (thuộc hệ sinh thái của FLC).

Ngoài sai phạm của các giám đốc, nhân viên, anh em “thân cận” ông Quyết, theo cáo buộc còn có sai phạm của 7 cựu cán bộ thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM HoSE.

Theo cáo trạng, anh em ông Quyết sau khi nâng khống vốn Faros từ 1,5 lên 4.300 tỷ đồng, muốn đẩy mã cổ phiếu ROS của công ty này lên sàn chứng khoán cần lần lượt qua ba bước xét duyệt của ba đơn vị trên.

7 cán bộ tại ba đơn vị bị cáo buộc biết rõ Faros tăng vốn bất thường nhưng vẫn chấp thuận, tạo điều kiện cho anh em ông quyết đạt được mục đích. Có một số người “vì thân quen” song cũng có cán bộ sớm nhận ra những “bất thường”, tìm nhiều cách làm sáng tỏ nhưng không thành.





Bị cáo Trịnh Văn Quyết ra tòa ngày 24/7. Ảnh: Ngọc Thành

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại TAND Hà Nội, ngày 24/7. Ảnh: Ngọc Thành

Sợ bị doanh nghiệp kiện

Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban chứng khoán Nhà nước), là người đầu tiên tiếp nhận hồ sơ của Faros xin đăng ký công ty đại chúng.

Phân trần trong phiên tòa hôm 23/7, ông nói đơn vị non trẻ, mới thành lập tháng 3/2016 thì hai tháng sau hồ sơ của Faros được gửi đến, “có thể coi là hồ sơ đầu tiên”.

Theo ông, thủ tục rất giản đơn, “chỉ cần vốn điều lệ trên trên 10 tỷ đồng, trên 100 cổ đông” sẽ được chấp thuận là công ty đại chúng. Khi xét hồ sơ của Faros, ông nhận thấy bất thường khi tăng vốn rất nhiều trong thời gian rất nhanh nên cùng đồng nghiệp tập trung nghiên cứu.

Ông Điền vẫn yêu cầu Faros bổ sung loạt danh mục hồ sơ về quá trình tăng vốn, báo cáo kiểm toán về quá trình góp vốn… dù các tài liệu này không có trong danh mục bắt buộc khi đăng ký công ty đại chúng.

Mặc các báo cáo tài chính của Faros đã được thông đồng với Công ty kiểm toán CPA Hà Nội để “rửa”, cựu vụ trưởng Điền khai còn mời Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đến cùng làm việc chuyên môn về báo cáo tài chính.

Sau khi kiểm toán lại, CPA vẫn giữ nguyên quan điểm, chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính của Faros. Ông Điền do đó đồng ý cho Faros đăng ký là công ty đại chúng, song vẫn có một công văn rất dài lưu ý và yêu cầu tiếp tục giải trình những bất thường.

Theo ông, việc chấp thuận vốn không phụ thuộc vào kết quả kiểm toán, “kể cả báo cáo kiểm toán không được chấp nhận toàn phần, vẫn được làm công ty đại chúng”.

“Bị cáo có quyền không chấp thuận cho Faros làm công ty đại chúng hoặc đình chỉ kiểm toán không?”, chủ tọa hỏi.

Ông Điền đáp “thủ tục đăng ký công ty đại chúng khác với các thủ tục hành chính khác, không có quy định cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được từ chối”.

Ông cho rằng Faros đã nghiên cứu rất kỹ quy định này nên khi ông yêu cầu bổ sung có những tài liệu họ không thực hiện, còn hai lần khiếu nại gây sức ép. Theo ông Điền, Faros phản ánh ông “gây khó khăn cho doanh nghiệp, yêu cầu nhiều tài liệu ngoài quy định, vượt quá thẩm quyền”.





Bi cáo Lê Công Điền tại phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Bi cáo Lê Công Điền tại phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Cựu vụ trưởng khai đã báo cáo với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Nếu không chấp thuận, Faros sẽ kiện ra tòa hành chính. Khi đó Ủy ban sẽ đối diện khả năng bị tuyên “làm sai”.

“Lo sợ ảnh hưởng đến Ủy ban, bị cáo đề xuất chấp thuận nhưng có công văn lưu ý, cảnh báo”, ông Điền cho hay.

Cấp phó của ông Điền tại Vụ Giám sát cũng gửi công văn đến Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và Hà Nội (HOSE và HNX) cảnh báo: Nếu Faros đăng ký niêm yết cổ phiếu, “đề nghị thẩm định hồ sơ chặt chẽ”, cáo trạng nêu.

Bị quy kết tội danh Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, ông Điền không phản đối, song phân trần đã cẩn trọng trong nghề và rất cố gắng minh bạch hóa thông tin của công ty và có nhiều cảnh báo cần thiết. Ông vì thế xin HĐXX xem xét tình tiết này.

Ông Điền không phải người duy nhất phản ứng ngay với những bất thường trong quá trình tăng vốn của Faros. Trả lời ngay sau đó, bị cáo Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho hay, ngay khi nhận hồ sơ của Faros đã phát hiện công văn của ông Điền lưu ý “những vấn đề rất dài”. Bà đánh giá “trước nay chưa từng có một công văn nhiều vấn đề như vậy”, do đó đã báo cáo lãnh đạo để cùng xem xét.

HoSE sau đó tiếp tục yêu cầu làm các văn bản giải trình về vốn góp nhưng Faros vẫn không làm rõ được. Đến khi này, quá trình đánh giá hồ sơ của Faros đã diễn ra một tháng 11 ngày, từ lúc công ty gửi hồ sơ lên HoSE. Bà Hằng và cấp trên là Trầm Tuấn Vũ, Phó tổng giám đốc HoSE, bắt đầu nhận được những lời thúc giục.

Tạo điều kiện vì quen biết





Ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM HoSE. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu chủ tịch HoSE Trần Đắc Sinh, bị VKSND Tối cao cáo buộc “có mối quan hệ” với Trịnh Văn Quyết nên “nhiều lần trực tiếp chỉ đạo” các bị cáo cấp dưới “tạo điều kiện” để Faros sớm lên sàn, dù doanh nghiệp chưa giải trình, bổ sung nội dung nào trong công văn ông Điền yêu cầu.

Tại tòa, ông Sinh cho hay khi hồ sơ của Faros được gửi đến HoSE, ông có nghe nhân viên báo cáo miệng trong các cuộc họp giao rằng “doanh nghiệp có vấn đề kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lưu ý HoSE cần xem xét kỹ lưỡng”.

“Có ai tác động để tạo điều kiện cho Faros không?”, chủ toạ hỏi. Ông Sinh đáp “việc có doanh nghiệp niêm yết lên sàn luôn là điều rất đáng mừng…”. Ông ngay lập tức bị chủ tọa ngắt lời, yêu cầu “trả lời thẳng”.

“Bị cáo có gặp Doãn Văn Phương (cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch Faros, đang bỏ trốn). Anh Phương đến văn phòng đề nghị bị cáo chỉ đạo cấp dưới làm nhanh hồ sơ Faros”, ông Sinh đáp và cho hay có chỉ đạo “anh em làm nhanh. Ông khẳng định việc này được thực hiện với nhiều doanh nghiệp, không riêng Faros.

Với cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, ông Sinh nói quen trước đó 6 tháng. Tại cơ quan điều tra, ông Sinh khai chấp thuận niêm yết cho Faros do quen ông Quyết và Phương, tạo điều kiện cho Faros hút vốn đầu tư qua đó HoSE có doanh thu từ phí niêm yết phí giao dịch chứng khoán.

Ông Sinh cho hay là lãnh đạo đầu tiên của HoSE từ khi thành lập, đã chứng kiến hơn 400 doanh nghiệp “lên sàn”, nay bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì nhận trách nhiệm của người làm công vụ. Theo ông, qua vụ án này đã bộc lộ “sai sót có hệ thống” từ Faros đến kiểm toán và các bước thẩm định sau đó.

Bị cáo Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực HoSE, cũng khai quen Trịnh Văn Quyết còn khi công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vì “thường đi đánh tenis cùng nhau”.





Ông Lê Hải Trà, Cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM HoSE ra tòa ngày 22/7/2024. Ảnh: Giang Huy

Ông Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), ngày 22/7. Ảnh: Giang Huy

Ông Trà cũng bị cáo buộc do quen ông Quyết nên dù biết rõ chưa có cơ sở xác định vốn cho Faros, đã nhận công văn cảnh báo của ông Điền về doanh nghiệp này vẫn “gây sức ép” với cấp dưới để phải đề xuất chấp thuận. Ông là một trong 6 thành viên hội đồng Niêm yết đã ký trái luật phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Faros.

Song khai trước tòa, ông Trà cho hay được báo cáo về việc Faros đã giải trình đầy đủ nên mới chấp thuận ký. Còn về báo cáo tài chính hoặc các kiểm toán gian dối của Faros với công ty kiểm toán, ông Trà nói HoSE “không biết, cũng không có chức năng thẩm quyền kiểm toán” mà chỉ dựa trên các báo cáo để chấp thuận.

Vượt ba cánh cửa kiểm duyệt sau tròn 9 tháng, ngày 1/9/2016, 430 triệu cổ phiếu ROS chính thức lên sàn.

Cơ quan công tố cáo buộc, HOSE từ đó trở thành “phương tiện” của anh em ông Quyết để bán cổ phiếu khống cho hơn 30.000 bị hại, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.

Hôm nay, sau hai ngày xét hỏi, VKS dự kiến công bố bản luận tội.

Thanh Lam – Viết Tuân


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *