[ad_1]
Công ty Rare Earths Norway thông báo phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu, có khả năng đem lại thay đổi lớn cho đất nước Bắc Âu cũng như châu lục.
Rare Earths Norway cho biết ước tính về tài nguyên khoáng sản ở tổ hợp carbonatite Fen của họ ở đông nam Na Uy chứa 8,8 triệu tấn tổng oxit đất hiếm (TREO) với tiềm năng khai thác kinh tế. Trong TREO, công ty ước tính có 1,5 triệu tấn đất hiếm liên quan tới nam châm có thể sử dụng trong xe điện và turbine gió. Mỏ này có trữ lượng vượt xa mỏ đất hiếm phát hiện năm ngoái ở nước láng giềng Thụy Điển. Alf Reistad, giám đốc điều hành Rare Earths Norway, cho biết phát hiện ở Fen đánh dấu một cột mốc lớn đối với công ty.
Mỏ đất hiếm mới ở tổ hợp Fen của Rare Earths Norway có thể góp phần lớn giúp châu Âu phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm, NBC News hôm 11/6 đưa tin. Nhu cầu đối với đất hiếm và các khoáng sản thiết yếu được dự đoán sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới khi thế giới đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Một trong những mục tiêu của Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng (Critical Raw Materials Act) là khai thác ít nhất 10% nhu cầu đất hiếm của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030 và Rare Earths Norway hy vọng có thể góp phần vào mục tiêu đó. Mỏ đất hiếm Fen tại Telemark, cách Oslo 210 km về phía tây nam, chắc chắn sẽ củng cố vị thế của Na Uy trong chuỗi khai thác nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu.
Các nguyên tố đất hiếm có nhiều đặc tính hữu ích nên rất được các ngành năng lượng và công nghệ ưa chuộng. Nhóm này gồm 17 kim loại, bao gồm 15 nguyên tố kim loại ở cuối bảng tuần hoàn, cùng với 2 nguyên tố yttrium và scandium.
Những nguyên tố giá trị nhất trong số này là neodymium, praseodymium, terbium và dysprosium, đóng vai trò như nam châm thu nhỏ siêu mạnh, một thành phần trọng yếu của các thiết bị điện tử như smartphone, pin xe điện và turbine gió. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế của đất hiếm là mối lo ngại lớn với các công ty và chính phủ khi sản xuất những thứ thiết yếu thời hiện đại.
Phần lớn đất hiếm tập trung ở Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới ước tính chiếm 70% lượng khai thác quặng đất hiếm toàn cầu và 90% lượng xử lý quặng đất hiếm. Trung Quốc là đối tác lớn nhất của EU về nhập khẩu đất hiếm trong năm 2022, chiếm 40% lượng nhập khẩu xét trên trọng lượng.
Trong thời gian tới, Rare Earths Norway sẽ tiếp tục công tác thám hiểm ở tổ hợp Fen và dự kiến khoan sâu hơn vào tháng sau. Công ty đang làm việc để phát triển giai đoạn khai thác mỏ đầu tiên vào năm 2030.
An Khang (Theo NBC News)
Source link