Mất phanh hơi – ác mộng của tài xế xe tải

[ad_1]

Bầu hơi bị sự cố khiến phanh không còn hoạt động, tác dụng của phanh khóa (locker) cũng không hiệu quả nếu xe đổ đèo, tải trọng lớn.

Tuấn Duy (34 tuổi, Bình Định), một tài xế xe tải, container đường dài Bắc – Nam vẫn còn nhớ sự cố mất phanh khi đang di chuyển trên một tuyến đường qua tỉnh Ninh Thuận hồi 2020. Lúc đó đường ống hơi bị hư làm phanh mất tác dụng.

“Rất may lúc đó xe chạy chậm, lại không tải nên nhờ có khóa phanh (locker) hãm xe lại từ từ”, Duy kể. “Nếu đổ dốc, thêm tải hàng nặng thì không biết sẽ thế nào”.

Khoảnh khắc xe tải đổ dốc cầu Phú Mỹ tông liên hoàn nhiều ôtô

Khoảnh khắc xe tải mất lái trên cầu Phú Mỹ, hôm 8/8. Video: Minh Trịnh – Đình Văn

Những tài xế xe tải đường dài như Tuấn Duy cho biết, một trong những rủi ro lớn nhất của nghề này là hệ thống phanh gặp sự cố khiến tài xế rơi vào tình huống bị động. Nếu xe tải đổ dốc kèm tải nặng mà hệ thống phanh ngừng hoạt động thì theo quán tính, xe trôi về phía trước rất khó kiểm soát. Sự cố mới đây trên cầu Phú Mỹ khi xe tải Hino mất kiểm soát phanh, tông hàng loạt xe phía trước là một ví dụ.

Cơ cấu phanh trên ôtô hiện nay đều hoạt động dựa trên nguyên lý tạo ra lực ép, giữa má phanh với đĩa phanh hoặc trống phanh, từ đó tăng ma sát, làm bánh xe từ từ ngừng quay. Với cơ cấu phức tạp, nặng nề, nếu chỉ dựa trên lực đạp của chân tài xế, sẽ không thể tạo lực đủ lớn hãm phanh. Vì vậy, các xe đều cần thêm hệ thống trợ lực cho chân phanh. Tùy vào loại xe mà hệ thống trợ lực khác nhau. Xe con, xe tải nhẹ và trung bình sẽ sử dụng trợ lực thủy lực (dầu), và thường có thêm một trợ lực nữa từ bầu hơi (chân không). Trong khi đó xe tải nặng sẽ sử dụng trợ lực khí nén.

Anh Đông Phong, cựu giám đốc dịch vụ một đại lý xe tải Hino tại TP HCM cho biết, hệ thống phanh trên xe tải sử dụng cả hai loại ở trên, nên khái niệm bầu hơi được hiểu cho cả phanh dầu trợ lực hơi và phanh khí nén (thuần hơi).

Với loại phanh dầu trợ lực hơi, bầu hơi (chân không – Vacuum brake booster) sẽ nằm ở giữa bàn đạp phanh và hệ thống thuỷ lực. Với loại này, khi bầu hơi bị rò rỉ, hỏng chân không, về lý thuyết tài xế vẫn có thể đạp phanh nhưng sẽ rất nặng, tác dụng kém. Nếu xe đang ở tốc độ cao, tải nặng, quán tính lớn, gần như phanh mất tác dụng hoàn toàn. Anh Phong cho biết đa số những xe Hino đời cũ, lắp động cơ Euro 3, Euro 2 đề sử dụng phanh này. Tài xế lái chiếc Hino mất phanh trên cầu Phú Mỹ cũng cho biết xe sử dụng phanh dầu trợ lực hơi.

Cấu tạo giữa phanh khí nén và phanh thủy lực

Cách phanh thủy lực, có bầu trợ lực (booster) hoạt động. Video: Advanced Auto Clinic Delavan

Đối với xe trang bị phanh thuần hơi (khí nén), cơ chế là sử dụng sự chênh lệch áp suất để ép má phanh vào trống phanh. Với loại này, sẽ có hai đường dẫn hơi riêng cho hai mục đích. Đường đầu tiên, tới tất cả bầu hơi tổng của các bánh, để điều khiển hoạt động của má phanh. Trong khi đó, tuỳ loại xe sẽ có thêm một bầu hơi trên hai hoặc nhiều bánh để khóa phanh trong trường hợp khẩn cấp, gọi là locker (lốc-kê).

Nếu bầu hơi tổng gặp sự cố, bầu phanh không còn được bơm hơi để tạo ra chênh lệch áp suất, cơ cấu phanh không hoạt động. Lúc này, cơ cấu phanh locker được kích hoạt, giúp khóa bánh xe. Đây là thiết kế đề phòng rủi ro bầu hơi bị hỏng lúc xe chạy trên đường. Tuy nhiên, cơ cấu này chỉ phát huy tác dụng tối đa khi xe di chuyển trên đường phẳng.

Cách hoạt động của phanh khí nén

Cách phanh khí nén hoạt động. Video: BIStrainer

Còn với xe đổ dốc tốc độ cao, tải nặng, phanh locker vẫn hoạt động nhưng hiệu quả thấp do quán tính lớn của xe cũng như không phải bánh nào cũng có locker.

Phanh locker cũng hoạt động khi người lái kéo phanh tay để giữ xe đứng yên khi dừng hẳn. Phanh locker chỉ mở khóa bánh khi tài xế khởi động xe và áp suất trong bầu hơi được bơm đủ theo tiêu chuẩn thiết kế.

Theo ông Phong và các tài xế lái xe tải lâu năm, kéo phanh tay (kích hoạt phanh locker) có thể giúp hãm xe lại phần nào. Những xe tải ngày nay có thể về số thấp, không cần “đồng tua, đồng tốc” để tận dụng lực phanh của động cơ. Tuy nhiên, tác dụng của những việc này bị giảm đi đáng kể, thậm chí không hiệu quả nếu xe chở hàng nặng và đổ dốc tốc độ cao.

Bà Phạm Thị Hồng Loan, chủ một doanh nghiệp vận tải hàng chục năm tại TP. HCM với đội xe thường xuyên đi qua cầu Phú Mỹ cho biết đây là một trong những điểm đen mà các tài xế của công ty luôn lưu tâm.





Bầu phanh kép của một bánh xe tải. Ảnh: FiP

Bầu phanh kép của một bánh xe tải. Ảnh: FiP

“Tôi luôn phải dặn dò nhân viên phải nhớ nơi này mà lưu ý các nguyên tắc an toàn khi lái qua đây”, bà chia sẻ.

Với địa hình dốc dài, độ dốc lớn như cầu Phú Mỹ, các tài xế cần luôn tập trung cao tốc, đổ dốc với tốc độ thấp để làm chủ, luôn giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. Bí kíp của đội xe công ty bà Loan là tài xế ngồi trong buồng lái phải nhìn thấy bánh xe sau của xe trước, và giữ vị trí hơi so le với xe trước để có thể quan sát xa hơn.

Để hạn chế rủi ro về hệ thống phanh, ngoài bảo dưỡng định kỳ các bộ phận của má phanh, tài xế nên thường xuyên kiểm tra tình trạng bầu hơi và hệ thống đường dẫn hơi. Di chuyển với tốc độ theo khuyến cáo, tránh rà phanh liên tục, chở hàng đúng tải trọng… cũng là cách hạn chế những rủi ro liên quan đến hệ thống phanh.

Phạm Trung – Phạm Hải


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *