[ad_1]
NATO thành lập cơ chế mới để điều phối hoạt động viện trợ cho Ukraine, tiếp quản một phần vai trò của Mỹ nhằm giảm rủi ro trì hoãn như trước đây.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO 2024, lãnh đạo các nước thành viên của khối ngày 10/7 nhất trí thành lập chương trình Hỗ trợ và Đào tạo An ninh của NATO cho Ukraine (NSATU).
Chương trình sẽ giám sát ba lĩnh vực chính: sự phát triển của quân đội Ukraine và hoạt động đào tạo lực lượng này tại cơ sở của các đồng minh; lập kế hoạch và điều phối các khoản đóng góp của những nước thành viên cùng đối tác, sau đó vận chuyển chúng qua các nút hậu cần tại các quốc gia như Ba Lan, Romania và Slovakia; sửa chữa và bảo trì trang thiết bị.
Trung tâm đầu não được đặt ở căn cứ của lục quân Mỹ tại Đức, dự kiến do một tướng ba sao Mỹ đứng đầu. Đội ngũ nhân viên bao gồm 700 người, một số sẽ làm việc ở các nút hậu cần đặt tại những nước thành viên Đông Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NSATU sẽ đảm bảo hoạt động viện trợ Kiev được duy trì ổn định “trong những năm tới”, song sẽ không khiến NATO trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột tại Ukraine.
Khối cũng cam kết viện trợ ít nhất 40 tỷ euro (43,3 tỷ USD) cho Kiev trong năm 2025 và “cung cấp hỗ trợ an ninh bền vững để Ukraine giành chiến thắng”, trong khi vẫn cân nhắc tình hình ngân sách và các thỏa thuận liên quan.
Một vai trò quan trọng khác của NSATU là giúp thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO của Ukraine.
Theo quy định, để trở thành thành viên của khối, các nước phải đáp ứng loạt tiêu chí về chính trị, kinh tế và an ninh. Ví dụ, quân đội Ukraine cần phải đạt được các tiêu chuẩn nhất định về cách ứng xử và huấn luyện, cũng như đảm bảo vũ khí, trang bị của Kiev tương thích với các quốc gia trong liên minh. NSATU sẽ giúp Ukraine dần đáp ứng được các yêu cầu về quân sự trên của khối.
Chương trình này sẽ không thay thế Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDGC) do Mỹ phụ trách, mà đóng vai trò bổ trợ bằng cách tiếp quản một số công việc điều phối của nhóm. UDGC có 53 thành viên, bao gồm toàn bộ 32 nước NATO, được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thành lập cách đây hai năm nhằm điều phối hoạt động viện trợ an ninh cho Ukraine.
Kể từ đó, sáng kiến do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp hơn 100 tỷ USD về vũ khí, thiết bị và huấn luyện binh sĩ cho Kiev. Riêng Mỹ đã chi ra 53,6 tỷ USD, trong đó khoảng 25 tỷ USD được cung cấp theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), cơ chế cho phép chính phủ nước này rút vũ khí trực tiếp từ trong kho của quân đội để chuyển giao cho Ukraine mà không cần quốc hội thông qua.
Số còn lại là tiền ký hợp đồng dài hạn với các tập đoàn quốc phòng để mua vũ khí viện trợ cho Kiev, trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI).
Các nước NATO còn lại cũng như những đối tác quốc tế khác trong UDGC cũng đã cung cấp khoảng 50 tỷ USD về vũ khí và hỗ trợ an ninh cho Kiev.
Trong khuôn khổ UDGC, một trung tâm điều phối quốc tế đã được thành lập ở Đức để xác định những thứ Ukraine cần, sau đó tìm kiếm vũ khí, thiết bị và phụ tùng có thể đáp ứng các nhu cầu đó từ những quốc gia khác. Trung tâm này có thể sẽ được sáp nhập vào tổ chức mới của NATO.
Ngoài ra, UDGC cũng đã thành lập 8 liên minh do các quốc gia khác nhau đứng đầu, mỗi liên minh tập trung vào việc đáp ứng một nhu cầu quân sự cụ thể của Ukraine, bao gồm chiến đấu cơ, xe tăng, pháo, khí tài hải quân, phòng không, rà phá mìn, an ninh mạng và thiết bị bay không người lái (drone). Các liên minh này dự kiến tiếp tục được duy trì.
Việc NATO tiếp quản quyền điều phối một phần hoạt động hỗ trợ an ninh cho Ukraine được cho là động thái nhằm giảm thiểu nguy cơ dòng viện trợ bị đình trệ do những biến động chính trị ở các nước trong UDGC, điều từng xảy ra trong quá khứ.
Gói viện trợ gần 61 tỷ USD của Washington dành cho Kiev đã bị mắc kẹt trong 8 tháng do tranh cãi ở quốc hội Mỹ, trong khi khoản hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) cũng bị đóng băng trong khoảng thời gian gần như tương tự vì vấp phải sự phản đối từ Hungary.
Sự chậm trễ này khiến quân đội Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí tài và đạn dược trong thời gian dài, tạo điều kiện để lực lượng Nga giành nhiều bước tiến quan trọng trên chiến trường.
Một số quan chức NATO cho biết động lực chính khiến khối quyết định thành lập NSATU là do lo ngại về kịch bản Donald Trump tái đắc cử và sẽ giảm bớt hỗ trợ cho liên minh cũng như Ukraine.
Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích các nước NATO không chi tiêu đủ cho quân sự, thậm chí nói rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên không đáp ứng được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của khối, cũng như khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với những quốc gia này.
Cựu tổng thống Mỹ cũng từng đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine nếu ông tái đắc cử. Các nghị sĩ ủng hộ Trump cũng là nguyên nhân khiến gói viện trợ của Washington dành cho Kiev bị mắc kẹt nhiều tháng tại quốc hội Mỹ.
“Một nguyên nhân lớn dẫn đến sự thay đổi là nhằm bảo vệ các nỗ lực hỗ trợ Ukraine khỏi tác động của ông Trump”, Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói khi bình luận về ý tưởng thành lập NSATU vào tuần trước. “Thay vì để Washington phụ trách quản lý hoạt động huấn luyện và hỗ trợ, NATO sẽ làm việc này. Ngay cả khi Mỹ cắt giảm hoặc ngừng ủng hộ, nỗ lực viện trợ cho Ukraine sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn”.
Tuy nhiên, AP cho rằng NSATU nhiều khả năng sẽ không thể ngăn cản ông Trump gây ảnh hưởng tới hoạt động viện trợ của NATO cho Ukraine, trong trường hợp cựu tổng thống Mỹ quay lại Nhà Trắng.
“Chuyển một phần viện trợ cho Ukraine sang chiếc ô của NATO sẽ giúp tăng sự nhất quán trong liên minh, song bất kỳ thay đổi nào trong chính quyền Mỹ cũng sẽ dẫn tới thay đổi về chính sách của nước này. Điều đó có thể bao gồm việc giảm bớt ngân sách viện trợ cho Ukraine hay các hoạt động ngoại giao và quân sự khác”, hãng thông tấn bình luận.
Phạm Giang (Theo AP)
Source link