[ad_1]
Triệu chứng ban đầu dễ nhầm thành viêm đường hô hấp, quan niệm chỉ có trẻ em mới mắc sởi là những lý do bệnh khó phát hiện ở người lớn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM cho biết như trên, thêm rằng cần lưu ý phòng bệnh trong bối cảnh 7 tỉnh, thành được Cục Y tế dự phòng đánh giá nguy cơ bùng dịch sởi “rất cao”.
“Bệnh sởi ở người lớn khó phát hiện nên dễ lây lan, nguy cơ bùng thành dịch”, bác sĩ Khanh nói.
Sởi là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở. Ở người lớn, sởi gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, liệt, động kinh… Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng.
Điểm đặc biệt là sởi khó phát hiện ở người lớn hơn so với trẻ em. Trẻ mắc sởi có các triệu chứng dễ nhận biết như phát ban, sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Ngược lại, ở người lớn, triệu chứng sởi nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ, dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường. Thời gian ủ bệnh dài, sau khoảng 12-21 ngày, cơ thể phát ban, bệnh nhân mới biết mình mắc sởi. Do đó, nhiều người không được điều trị kịp thời, nguy cơ biến chứng viêm phổi, viêm não… Thai phụ mắc sởi có thể sảy thai, sinh non, thai lưu.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi do quan niệm người lớn không mắc sởi. “Điều này khiến mầm bệnh có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Để ngừa bệnh, bác sĩ Khanh nhấn mạnh vai trò của tiêm chủng. Lý do, hầu hết người bệnh chỉ được phát hiện và cách ly sau khi đã phát ban nhưng virus sởi có thể lây lan từ trước đó. Vì vậy cách ly ca bệnh không hoàn toàn chặn được nguồn lây.
Ngoài ra, sởi lây lan rất nhanh và mạnh, ước tính 90-100% người chưa có miễn dịch tiếp xúc với nguồn bệnh có thể bị lây, ví dụ đi qua đầu giường của bệnh nhân sởi. Một người mắc sởi có thể lây cho khoảng 20 người không có miễn dịch.
“Người dân cần tiêm ngừa khi có nguy cơ hoặc xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Hiệu quả phòng bệnh của vaccine sởi lên đến 98% khi tiêm đủ hai mũi, đồng thời bảo vệ trường hợp tiếp xúc với người bệnh trong 72 giờ. Bác sĩ Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết Việt Nam có mũi sởi đơn và phối hợp, có thể tiêm ngừa cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm hai mũi vaccine.
Vaccine không được chỉ định cho thai phụ. Để ngừa bệnh trong thai kỳ, nữ giới cần chủ động tiêm ngừa trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng. Người mẹ có miễn dịch với bệnh sẽ truyền kháng thể sang con, giúp bảo vệ em bé trong những tháng đầu đời.
Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai năm 2019, khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn mắc sởi sẽ biến chứng viêm phế quản – phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng… Người bệnh cần theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện sớm các biến chứng, đặc biệt vào thời điểm sau khi hết ban và hết sốt.
Bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, tăng ăn rau xanh, trái cây nhiều vitamin C và uống nhiều nước. Khi sốt từ 38,5 độ trở lên, người bệnh có thể dùng thuốc hạ sốt, chườm ấm. Mọi người nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.
Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Gia đình giữ nhà cửa thông thoáng, khử trùng thường xuyên và làm sạch đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B. Ngoài ra, nếu trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi như ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Nhật Linh
Source link