[ad_1]
Hà NộiHọc viện Ngân hàng, Tài chính, Đại học Ngoại thương, Thương mại nhận hồ sơ xét học bạ từ nay đến nửa đầu tháng 6, hầu hết ưu tiên học sinh chuyên.
Đại học Ngoại thương năm nay tuyển 4.130 sinh viên bằng 6 phương thức, trong đó có xét tuyển học bạ. Nhóm thí sinh được nộp hồ sơ theo phương thức này là: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba cấp thành phố trở lên; là học sinh trường chuyên; có điểm IELTS từ 6.5 trở lên hoặc tương đương.
Dù sử dụng điểm học bạ, thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm theo tổ hợp, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6. Trường mở cổng đăng ký và thu hồ sơ từ nay đến 6/6.
Năm ngoái, điểm chuẩn phương thức xét kết hợp học bạ với giải học sinh giỏi vào Đại học Ngoại thương cao nhất là 30, ở chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Với cách xét kết hợp chứng chỉ quốc tế, điểm chuẩn cao nhất cũng là 30 ở chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại. Đa số ngành còn lại lấy 28 điểm, số ít có đầu vào 25-26.
Học viện Ngân hàng nhận hồ sơ xét học bạ đến hết ngày 9/6. Khoảng 20% trong số 3.500 chỉ tiêu ở trụ sở Hà Nội được tuyển theo cách này.
Thí sinh phải có học lực giỏi năm lớp 12 và điểm trung bình cộng ba năm từng môn trong tổ hợp đạt 8 trở lên.
Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng các năm ở ba môn, điểm ưu tiên, khuyến khích. Riêng các chương trình chất lượng cao, điểm được tính trên thang 40 với môn Toán nhân hệ số hai.
Thí sinh đạt giải học sinh giỏi tỉnh, quốc gia hoặc học sinh chuyên được cộng 1,5-3 điểm khuyến khích. Nếu đáp ứng nhiều tiêu chí, các em được cộng tất cả. Ví dụ một học chuyên, đạt giải nhất tỉnh và khuyến khích cấp quốc gia được cộng 7,5 điểm.
Năm ngoái, với các ngành tính theo thang 30, điểm chuẩn học bạ vào Học viện Ngân hàng dao động 26-29,8, cao nhất là ngành Ngân hàng số, Tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Với các chương trình chất lượng cao, điểm trúng tuyển là 36-37/40.
Đại học Thương mại năm học tới tuyển hơn 4.900 sinh viên. Với phương thức xét học bạ, trường thu hồ sơ từ đầu tháng 5, kéo dài đến 10/6. Chỉ thí sinh học cả ba năm ở trường chuyên, trường trọng điểm mới được đăng ký.
Điểm xét tuyển = Tổng điểm 3 môn theo tổ hợp + (1 điểm thưởng học sinh hệ chuyên nhưng tổng điểm xét tuyển không quá 30) + Điểm ưu tiên.
Trong đó, điểm từng môn là trung bình cộng lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12. Học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, Ngữ văn, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tin học được cộng tối đa 1 điểm thưởng.
Năm ngoái, điểm chuẩn học bạ của trường cao nhất là 27,5 ở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; các ngành còn lại không dưới 25.
Học viện Tài chính nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 28/5 đến 16/6.
Học sinh phải đạt học lực giỏi ba năm, mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển từ 7 trở lên vào năm lớp 12. Những em từng tham gia thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế hoặc đoạt giải quốc gia môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Tiếng Anh, Văn cũng thuộc nhóm này, và cũng phải đảm bảo điểm học bạ như trên.
Nếu đạt loại giỏi hai năm, trong đó có lớp 12, thí sinh cần có thêm một trong các thành tích sau: đạt giải cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn; có chứng chỉ IELTS từ 5.5, TOEFL iBT 55, SAT 1050/1600, ACT từ 22/36 điểm trở lên.
Trường hợp đạt loại giỏi năm lớp 12, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và ngành Kinh tế.
Điểm xét tuyển học bạ của Học viện Tài chính là tổng điểm trung bình lớp 12 của ba môn theo tổ hợp. Năm ngoái, mức trúng tuyển dao động 25,2-29,5.
Đại học Kinh tế quốc dân không xét tuyển học bạ năm nay.
Năm 2023, trong hơn nửa triệu thí sinh đỗ đại học, 30,24% nhập học bằng cách xét học bạ, xếp thứ hai sau phương thức xét điểm thi tốt nghiệp (49,5%).
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường xét tuyển sớm, gồm xét học bạ sẽ thông báo kết quả cho thí sinh chậm nhất vào 17h ngày 10/7. Để được công nhận trúng tuyển, các em phải nhập nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7.
Source link