[ad_1]
Nỗ lực ngoại giao và tăng cường lực lượng của Mỹ tại Trung Đông có thể khiến Iran điều chỉnh phương án trả đũa Israel, theo quan chức Nhà Trắng.
Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao Nhà Trắng hôm 7/8 nói rằng nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông dường như đã mang lại kết quả, khiến Iran kiềm chế và xem xét lại kế hoạch tấn công Israel để trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran hồi tuần trước.
Nhà Trắng đã sử dụng các kênh đối thoại hậu trường, như chuyển tin nhắn qua đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran và phái bộ Iran ở Liên Hợp Quốc, để thuyết phục nước này kiềm chế. Các thông điệp của Mỹ nhấn mạnh nguy cơ bùng phát xung đột toàn diện là đặc biệt lớn, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với sự ổn định của chính quyền tân Tổng thống Masoud Pezeshkian.
Mỹ cũng tăng sức ép quân sự bằng cách điều động tiêm kích tàng hình F-22 và nhóm tác chiến tàu sân bay đến gần Israel, nhằm đề phòng trường hợp nỗ lực ngoại giao thất bại.
“Iran hiểu rõ rằng Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích cũng như đối tác và người dân Mỹ. Chúng tôi đã điều động nhiều khí tài quân sự đến khu vực để nhấn mạnh nguyên tắc này”, quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho hay.
Phương án đáp trả của Iran rất khó dự đoán, phụ thuộc vào tình huống dẫn tới cái chết của Haniyeh. Tehran ban đầu tuyên bố ông thiệt mạng bởi tên lửa dẫn đường của Tel Aviv, động thái buộc quân đội Iran trả đũa tương xứng. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng Iran sau đó đi đến kết luận rằng thủ lĩnh Haniyeh thiệt mạng vì một quả bom cài trong phòng ông, điều có thể dẫn tới phương án phản ứng khác hoàn toàn.
Dù vậy, nguy cơ leo thang căng thẳng dẫn đến chiến tranh tại Trung Đông vẫn ở mức cao, nhất là khi lực lượng Hezbollah, đồng minh của Iran tại Lebanon, vẫn là yếu tố rất khó đoán định.
Nhóm quan chức Nhà Trắng thừa nhận nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng rất phức tạp. Hai lãnh đạo hồi tuần trước điện đàm trong bầu không khí căng thẳng, trong đó ông Biden than phiền rằng chính phủ Israel đang cản trở nỗ lực đạt lệnh ngừng bắn và giải thoát con tin ở Dải Gaza.
“Tổng thống Biden đã sử dụng giọng điệu rất tức giận để hối thúc Thủ tướng Netanyahu thể hiện bản thân là đối tác tốt”, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Giới chức Mỹ và Iran chưa bình luận về thông tin.
Căng thẳng leo thang tại Trung Đông trong tuần qua sau trận không kích khiến chỉ huy quân sự của Hezbollah thiệt mạng ở Beirut và vụ ám sát Haniyeh. Iran cùng các đồng minh cáo buộc Israel đứng sau hai vụ tập kích, nhưng Tel Aviv mới nhận trách nhiệm về cuộc tấn công ở Lebanon.
Iran tuyên bố sẽ “báo thù rất mạnh tay vào thời gian, địa điểm với cách thức phù hợp”. Một số bên lo ngại Iran có thể hiệp đồng tập kích cùng các nhóm vũ trang mà nước này hậu thuẫn như Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và một số đơn vị dân quân ở Syria, Iraq.
Một tuần sau vụ ám sát Haniyeh, Iran và các nhóm dân quân được nước này hậu thuẫn chưa có động thái đáp trả quy mô lớn. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 6/8 tuyên bố việc để Israel phải thấp thỏm chờ đợi cũng là “biện pháp trừng phạt”.
“Cho đến nay, chúng tôi chưa từng tìm cách leo thang, chúng tôi đã chiến đấu để ủng hộ Gaza nhưng vẫn ghi nhớ lợi ích quốc gia của Lebanon”, Nasrallah nói. “Mỗi lần một chỉ huy của chúng tôi bị giết, phản ứng của chúng tôi mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng chừng mực”.
Vũ Anh (Theo Washington Post)
Source link