Hơn 16.200 tỷ đồng để tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7

[ad_1]

Sáu tháng cuối năm, ngân sách nhà nước dự kiến chi 3.760 tỷ đồng, Quỹ Bảo hiểm xã hội hơn 12.500 tỷ đồng để tăng lương hưu, trợ cấp cho 3,66 triệu người.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng, thực hiện cùng thời điểm lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng. Cơ quan này đề xuất tỷ lệ tăng chung 15% trên mức hiện hưởng của tháng 6/2024.

Theo Bộ Lao động, mức tăng 15% căn cứ Nghị quyết 104 tháng 11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm nay, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp, chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở; phù hợp chỉ số CPI cũng như cân đối ngân sách và nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Dự kiến tổng kinh phí bố trí tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng nửa cuối năm là hơn 16.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 3.760 tỷ đồng cho hơn 1,3 triệu người; Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo hơn 12.500 tỷ đồng cho 2,36 triệu người.





Các cụ bà Hà Nội thư giãn bên Hồ Gươm, tháng 8/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Các cụ bà Hà Nội thư giãn bên Hồ Gươm, tháng 8/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng, song các quy định được thực hiện kể từ ngày 1/7.

Quy định này dễ phát sinh vướng mắc trong chi trả lương hưu như kỳ điều chỉnh năm 2023. Nghị định thực hiện từ ngày 1/7 song tới 14/8 mới có hiệu lực, chờ thêm thông tư hướng dẫn khiến người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH chưa nhận được phần tăng thêm. Người dân liên tục thắc mắc với cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau đó phải ra thông báo chi trả theo mức cũ trong tháng 7-8 và truy trả phần tăng thêm vào tháng 9. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sau đó phải yêu cầu trả lương hưu mới ngay trong tháng 8.





Người già được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Người già được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Cùng thời điểm 1/7, trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng mỗi tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng.

Trong dự thảo tờ trình nâng mức trợ giúp xã hội gửi Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá chuẩn hiện hành 360.000 đồng mỗi tháng rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025, hiện tại 1,5 triệu đồng.

Trong khi sắp tới lương cơ sở tăng 30%, chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công cũng tăng 26,5%. Giai đoạn 2021-2024, mức chuẩn ưu đãi người có công tăng trên 62%; lương cơ sở tăng 50,8%; CPI dự kiến tăng 14%. Do vậy, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội để đảm bảo đời sống cho người thụ hưởng là cần thiết. Dự kiến ngân sách chi trả 6 tháng cuối năm hơn 4.700 tỷ đồng cho gần 3,4 triệu người đang được bảo trợ xã hội và 349.000 người hưởng kinh phí chăm sóc.

Hiện cả nước có 3,66 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng. Mức hưu trí bình quân từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt 5,6 triệu đồng, từ ngân sách nhà nước 4,7 triệu đồng mỗi người một tháng.

Ngân sách nhà nước mỗi năm chi hơn 27.000 tỷ đồng trợ giúp và cấp thẻ BHYT cho 3,56 triệu người nhận bảo trợ xã hội. Trong đó 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp; 1,6 triệu người hưởng chế độ khuyết tật; 21.000 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng; 146.000 trẻ dưới 3 tuổi; 84.000 người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi và hơn 349.000 hộ gia đình đang chăm sóc các nhóm cần trợ giúp.

Hồng Chiêu


[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *