[ad_1]
Tiền số lớn nhất thế giới rơi về mức thấp nhất gần nửa năm, trong khi loại lớn thứ hai Ether có phiên giảm mạnh nhất gần ba năm qua.
Theo dữ liệu CoinDesk, từ rạng sáng nay, Bitcoin đã khởi động cơn rung lắc khi giá thị trường hạ dần theo thời gian từ dưới 60.000 USD về khoảng 54.000 USD vào hơn 8h sáng. Sau đó, đồng tiền này phục hồi nhẹ và giằng co quanh mốc trên.
Ngay đầu giờ chiều, thị trường ghi nhận cơn rung lắc mới. Khoảng 13h24, Bitcoin thủng mốc hỗ trợ quan trọng, rơi thẳng về 49.314 USD một đơn vị – mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2. Trong 24 giờ, tiền số lớn nhất thế giới mất khoảng 14% giá thị trường.
Việc đánh rơi mốc hỗ trợ trên rất nghiêm trọng vì trước đó nhiều chuyên gia dự báo, Bitcoin cần giữ 50.000 USD để ngăn chặn đà lùi xa về 48.000 USD sẽ diễn ra ngay sau đó.
Khốc liệt hơn, Ether – tiền số lớn thứ hai thế giới – giảm từ hơn 3.500 USD xuống còn 1.700 USD một đồng, tương đương 25%. Đây là mức điều chỉnh theo ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2021. Các đồng tiền kỹ thuật số khác như Binance Coin, Solana, XRP… đồng loạt giảm từ 20% trở lên.
Diễn biến này khiến Chỉ số sợ hãi và tham lam nghiêng về phía tâm lý tiêu cực, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7. Chỉ số này theo dõi sự biến động, giá cả và dữ liệu truyền thông xã hội để cho biết liệu những nhà đầu tư có sợ hãi – thường là dấu hiệu của đáy cục bộ – hay tham lam, đánh dấu đỉnh thị trường.
Thị trường đỏ sắc khi hợp đồng tương lai về tiền số ghi nhận hơn 840 triệu USD thanh lý trong 24 giờ qua, tạo nên đợt bán tháo tồi tệ hơn cả hôm qua. Cơn rung lắc hiện được xúc tác bởi yen Nhật mạnh hơn và tin đồn về nhà tạo lập thị trường Jump Trading thanh lý hoạt động kinh doanh tiền số của mình.
Trong đó, hợp đồng tương lai Ether ghi nhận hơn 304 triệu USD bị thanh lý, cao hơn Bitcoin. Hợp đồng tương lai theo dõi Solana, Dogecoin, XRP và Pepe cũng ghi nhận 75 triệu USD thanh lý tích lũy.
Hơn 200.000 nhà giao dịch cá nhân đã bị áp dụng lệnh thanh lý. Dữ liệu trên sàn giao dịch tiền số Huobi cho thấy, khoảng 87% bị ảnh hưởng là các nhà giao dịch đặt lệnh long, tức đang cược vào giá cao hơn.
Không chỉ tiền số, nền tài chính toàn cầu đang biến động mạnh trước làn sóng bán tháo cổ phiếu dữ dội, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ. Làn sóng diễn ra sau khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ gây sốc với số liệu yếu hơn nhiều so với dự kiến, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, các nhà giao dịch đang đặt cược mạnh vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Các chuyên gia kinh tế tại những tổ chức tài chính hàng đầu như Citigroup và JPMorgan Chase thậm chí dự đoán Fed có thể hạ tới 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 9 và tháng 11.
Tiểu Gu
Source link