[ad_1]
Với tâm lý sợ bị bỏ rơi, mẹ và vợ tôi cứ giục đi mua vàng nếu không giá sẽ còn tăng cao.
“Nhiều người có tâm lý ngược đời, nhẽ ra giá tăng phải khiến cầu giảm theo quy luật cung – cầu trong kinh tế. Nhưng bà con với tâm lý ‘lo sợ bị bỏ rơi’, ‘mua sau giá sẽ lại cao hơn…’ thành thử cứ lao vào mua vàng, làm thị trường càng khan hiếm hàng.
Ngay cả mẹ và vợ nhà tôi cũng thế, cứ giục đi mua nếu không sợ giá leo lên 100 triệu đồng một lượng. Tôi thì hối mấy đứa em mới cưới có vàng bán đi nhưng họ lại càng giữ chặt… nên vàng càng khan.
Đất đai, chung cư cũng tương tự, lúc giá chững và giảm thì chẳng chịu mua. Cứ chờ giá tăng thì tranh nhau”.
Độc giả nickname Huyền ZenPark kể về chuyện gia đình giục đi mua vàng vì sợ giá lên 100 triệu đồng một lượng, sau khi giá vàng miếng SJC lập đỉnh gần 90 triệu đồng một lượng, nhiều người đổ xô đi mua vàng.
Ngày 9/5, giá vàng miếng tăng 2 triệu đồng và xác lập kỷ lục 89,5 triệu. Ghi nhận của VnExpress cho thấy người dân đổ xô mua vào, giao dịch sôi động. Nhiều thương hiệu hạn chế số lượng mua, cả vàng miếng và nhẫn trơn, trước nhu cầu tăng mạnh.
Nhiều độc giả cho rằng nhiều người mắc bẫy tâm lý FOMO, sợ bị bỏ rơi trước đà tăng của giá vàng. Điều này làm cho giá vàng vẫn tăng cao, mặc dù đã đấu thầu thành công vài nghìn lượng vàng.
Độc giả Hoàng Khánh trích dẫn lời than của một nhân vật đi mua vàng, như sau: “Một khách hàng nữ lớn tuổi trong lúc chờ mua nhẫn trơn, phàn nàn không hiểu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thế nào mà giá doanh nghiệp mua vào đã trên 86 triệu. “Họ mua vào số lượng lớn phải trả mức đó, thì làm sao giá sớm hạ được?”, bà nói và cho rằng chính những vị khách vừa than vừa mua nên giá vàng mới tăng. Người trẻ có tiền sẽ đầu tư mảng khác, giá vàng chỉ có xuống chứ không có lên.
Ngược lại, độc giả goldspotvn cho rằng có nhiều lý do để mua vàng, không thể nói nhiều người đang đu đỉnh: “Có người vì lý do tâm lý, có người đang cầm nhiều tiền không biết làm gì trong bối cảnh khó khăn cũng mua vàng để giữ giá trị tiền, cũng có người mua với mục đích khác”.
Độc giả Nguyen Duy Anh: “Ai có tiền mua vàng để dành thì không bao giờ lỗ, vàng có lúc lên lúc xuống nhưng nhìn chung tổng thể thì càng ngày càng lên.
Bác tôi mượn ba tôi ba cây vàng lúc vàng giá 65 triệu đồng một lượng, vài tháng sau bác cầm tiền đi mua vàng để trả thì giá đã 83 triệu đồng một lượng. Tính ra còn đắt hơn vay nặng lãi, nhưng quy luật là thế mượn vàng thì trả vàng biết sao bây giờ?”.
Nhìn về quá khứ, độc giả starsoftvn khuyến cáo: “Tôi nhớ đầu năm 2013, giá vàng lập đỉnh (khoảng 47 triệu đồng một lượng), tình trạng mua bán cũng nhộn nhịp thế này. Sau đó cơ quan chức năng can thiệp, giá vàng xuống tầm 35-37 triệu đồng một lượng trong thời gian dài. Đợt sóng này thấy có vẻ giống đợt đó”.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Source link