[ad_1]
Elon Musk cho rằng Anh sẽ “không thể tránh khỏi nội chiến” giữa làn sóng bạo loạn của phe cực hữu, khiến chính phủ của Thủ tướng Starmer phải lên tiếng bác bỏ.
Nước Anh đang chứng kiến làn sóng bạo loạn tồi tệ nhất kể từ năm 2011, khi phe cực hữu chống nhập cư và kỳ thị Hồi giáo tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực trên khắp cả nước trong 8 ngày liên tiếp.
“Nội chiến là không thể tránh khỏi”, tỷ phú Mỹ Elon Musk ngày 4/8 viết trên mạng xã hội X do ông sở hữu, phản hồi một bài đăng cho rằng làn sóng bạo loạn khắp nước Anh là do tác động của dân nhập cư và chính sách mở cửa biên giới của chính phủ nước này.
Quan điểm trên giống với nhiều tin giả đang lan truyền trên mạng xã hội Anh, nói nghi phạm gây ra vụ đâm dao khiến ba bé gái thiệt mạng ở Southport hôm 29/7 là người nhập cư không giấy tờ, làm dấy lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo. Tin giả tiếp tục được lan tỏa và thổi bùng bạo lực, dù cảnh sát đã công bố danh tính nghi phạm là Axel Rudakubana, 17 tuổi, người sinh ra và lớn lên ở Anh.
Đáp lại bình luận của ông Musk, phát ngôn viên Thủ tướng Anh ngày 5/8 nói với truyền thông rằng “phát ngôn về nội chiến là không có cơ sở”.
Musk sau đó phản pháo, gọi Thủ tướng Anh Keir Starmer là “lãnh đạo hai mặt”, ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng cảnh sát Anh đang đối xử với “người biểu tình” cực hữu da trắng hà khắc hơn so với các nhóm thiểu số. Ông Musk cũng đưa ra hàng loạt phát ngôn mang tính công kích Thủ tướng Starmer sau đó.
Khi Thủ tướng Anh tuyên bố trên X rằng giới chức sẽ không tha thứ cho các hành vi tấn công cộng đồng Hồi giáo, Musk đã bình luận vào bài đăng này, đặt câu hỏi: “Liệu ông có nên lo lắng cho các hành vi tấn công nhằm vào toàn bộ các cộng đồng không?”.
Các quan chức tư pháp Anh sau đó chỉ trích Musk, bác bỏ quan điểm cho rằng cảnh sát nước này phân biệt đối xử với các nhóm biểu tình cực hữu.
“Không quan trọng bạn là ai, đang phản đối điều gì, nếu bạn mang vũ khí và có ý định gây rối, bạn sẽ phải đối mặt với pháp luật”, Bộ trưởng Tư pháp Anh Shabana Mahmood viết trên X ngày 6/8.
“Bình luận của ông Musk là vô lý và đáng trách, gây bất lợi cho các sĩ quan đang nỗ lực duy trì pháp quyền trên đường phố”, Quốc vụ khanh phụ trách tư pháp Anh Heidi Alexander nói.
Trong khi đó, các nghị sĩ Công đảng Anh đã được cảnh báo không nên tham gia vào cuộc khẩu chiến này. “Điều quan trọng là không khiến luồng tin giả bị khuếch đại trên mạng xã hội”, thư gửi các nghị sĩ Công đảng của quan chức phụ trách ngân sách Alan Campbell có đoạn.
Làn sóng bạo loạn ở Anh chưa có dấu hiệu dừng lại, với nhiều vụ đụng độ, đốt phá trên toàn quốc, khiến hàng trăm người bị thương. Ngoài tuyên bố mạnh tay trấn áp cách hành động thù địch nhắm vào người Hồi giáo, chính phủ Anh còn chỉ trích các mạng xã hội chưa mạnh tay ngăn chặn tin giả trong thời gian qua.
Đêm 6/8, giới chức Anh truy tố nghi phạm đầu tiên bị cáo buộc “sử dụng lời nói hoặc có hành vi đe dọa nhằm mục đích kích động thù hận sắc tộc trên mạng”. Trong cuộc họp trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Peter Kyle đã nhấn mạnh các mạng xã hội phải có trách nhiệm ngăn tin giả lan truyền.
Đại diện các mạng xã hội X, Facebook, TikTok chưa bình luận về tình hình ở Anh. Cũng chưa rõ liệu London có công cụ pháp lý để buộc các nền tảng này chịu trách nhiệm về những tin giả liên quan đến làn sóng bạo loạn hay không.
Đức Trung (Theo CNN)
Source link
- Hậu tuyên bố thẳng mặt khán giả, shark Tuệ Lâm bị tỏ rõ thái độ: Loạt quá khứ phơi bày, group anti-fan hơn 36 nghìn thành viên
- Triển vọng nào cho Bồ Đào Nha ở Euro 2024?
- Nghi phạm khai động cơ đâm dao trên tàu điện ngầm Tokyo
- Tập đoàn Đông Dương vào top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam
- Con đường toàn cầu hóa của xe điện Trung Quốc