Đường đến thuốc lá điện tử của trẻ vị thành niên

[ad_1]

Lần đầu Diệu Nhi hút thuốc lá điện tử là hôm khai giảng lớp 7 khi được 9 đứa bạn kéo ra công viên Thống Nhất và đưa cho chiếc pod.

“Các mày nhìn tao có ngầu không?”, một nữ sinh hất cằm nói, ngay sau đó là một cú nhả khói (trick) điệu nghệ. Nhi tròn mắt nhìn làn khói đặc hình chữ O, hương thơm vị hoa quả xộc vào mũi. Được cổ vũ, cô bé cũng thử.

Mặc dù làm như hướng dẫn, Nhi – nữ sinh lớp 7 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn ho sặc sụa.

Trong nhóm của Nhi, hút pod (thuốc lá điện tử) là nghi thức kết nạp thành viên, người không theo sẽ bị tẩy chay. Để sở hữu chiếc pod đầu tiên, cô bé nhịn ăn sáng hai tuần, rồi mua lại của một thành viên trong nhóm, do bạn này chuyển sang hút vape, cũng một dạng thuốc lá điện tử để có thể “trick được nhiều kiểu khói hơn”.

Địa điểm tụ tập của nhóm thường trước nhà vệ sinh, cửa hàng tiện lợi gần trường học, quán game và công viên. Chẳng bao lâu cả nhóm Nhi đều hút thành thạo. Nhi không còn bị sặc mà hưởng thụ cảm giác mỗi lần nicotine xâm lấn vào cơ thể. Cô bé cũng luyện được một số kỹ thuật nhả khói. Từ chỗ chỉ dùng mỗi khi tụ tập, Nhi lén hút ở nhà mỗi tối vào lúc đi đổ rác hay trong nhà vệ sinh.

“Khi không hút con cảm thấy thiếu và bứt rứt trong người”, nữ sinh 13 tuổi nói. Nhi nghiện lúc nào không hay, cao điểm khoảng nửa tháng Nhi hút hết một pod.

Gia đình chỉ phát hiện sự việc khi được gia sư của con thông báo, lúc đã dùng được 5 tháng. Chị Vân Anh, mẹ cô bé cho biết vô cùng sốc. Vợ chồng chị đã tịch thu chiếc pod, ngồi lại nói chuyện với con về tác hại của thuốc lá điện tử. Chị cũng siết chặt tiền tiêu vặt để con không mua được thiết bị mới.

Nhưng chỉ hơn một tháng sau, Nhi cùng nhóm bạn bị bắt quả tang đang hút thuốc trước cửa nhà vệ sinh. Nhà trường yêu cầu phụ huynh lên gặp mặt, bị đình chỉ học ba ngày và tuyên bố nếu tái phạm sẽ bị đuổi học.





Hai pod dùng một lần của Diệu Nhi bị gia đình tịch thu. Ảnh: Phan Dương

Hai pod dùng một lần của Diệu Nhi được vứt trong ngăn kéo bàn học, nhưng tận khi nửa năm sau khi sử dụng bố mẹ em mới biết là thuốc lá điện tử. Ảnh: Phan Dương

Diệu Nhi là một trong hàng nghìn trẻ vị thành niên ở Việt Nam sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Báo cáo của Quốc hội sáng 5/6 cho thấy Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng). Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Năm 2023, hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.

Nhiều năm tư vấn vấn đề thuốc lá học đường cho các cơ quan nhà nước, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết thuốc lá điện tử manh nha vào các trường học từ những năm 2015, nhưng nổi lên mạnh mẽ sau dịch Covid-19.

Năm học vừa qua, nhà trường phát hiện 31 học sinh (1,15%), sử dụng, mua bán hoặc tàng trữ thuốc lá điện tử. Thực tế, ước tính khoảng 110 học sinh của trường sử dụng, chiếm 4,07%.

“Trường đã ghi nhận hai em sử dụng có biểu hiện sốc, nôn trong nhà vệ sinh và đã phối hợp với gia đình đưa đi kiểm tra. Hôm sau học sinh đã đi học trở lại và phải lập hội đồng kỷ luật để giáo dục”, thầy Tùng cho biết. Ngoài ra còn có vài em có biểu hiện không bình thường như mắt lờ đờ, phản xạ chậm chạp, bước đi xiêu vẹo.

Là phụ huynh có hai con lớp 6 và 10, chị Minh Nguyệt, 40 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết thuốc lá điện tử hiện là nỗi lo lắng nhất của chị. Con gái lớn từng thổ lộ “đang định thử” vì trong lớp có nhiều bạn hút.

Cô bé cũng cho biết nhà trường kiểm tra nghiêm ngặt nhưng các bạn hút và bán ngày càng tinh vi. Để tránh các đợt kiểm tra, những học sinh này giấu thuốc lá điện tử ở sau thùng rác, trên trần nhà vệ sinh, thậm chí trong đồ lót.





Đường hút thuốc lá điện tử của trẻ vị thành niên - 1

Trường THCS Láng Thương, quận Đống Đa, Hà Nội chiều 20/5. Thuốc lá điện tử đang là vấn đề nổi cộm trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ảnh: Phan Dương

Theo thầy Nguyễn Quang Tùng, có rất nhiều con đường dẫn trẻ vị thành niên đến với thuốc lá thế hệ mới. Đầu tiên do tâm lý độ tuổi này muốn thể hiện bản thân, chứng tỏ mình là người lớn, bị chúng bạn lôi kéo, dụ dỗ. Thứ hai do các em có chuyện buồn, áp lực gia đình, học hành. Nhiều em sinh trưởng trong gia đình có người lớn thường xuyên sử dụng.

“Con đường rộng mở nhất là do việc mua bán thuốc lá điện tử quá dễ dàng, giá cả không quá đắt, rất dễ tiếp cận với trẻ em thành phố”, thầy Tùng nói.

Phương Trinh, 18 tuổi, ở TP HCM chưa từng hào hứng với thuốc lá điện tử cho tới khi thấy những chiếc vape hình thù lạ mắt. “Chúng rất đẹp và như một phụ kiện tăng thêm vẻ ngoài cá tính”, Trinh chia sẻ. Chẳng mấy chốc Trinh sử dụng hết những chiếc vape 6.000 – 8.000 hơi chỉ trong một tuần đến mười ngày.

Hai chiếc pod của Diệu Nhi bị tịch thu đều là dạng hút một lần, có vẻ ngoài dễ thương, khói vị hoa quả như dưa hấu và chanh. Đáng nói, cả hai chiếc đều thuộc loại có hàm lượng nicotine 50 mg. Mức này vốn được quảng cáo phù hợp với những người nghiện thuốc lá truyền thống nhưng không hứng thú với mùi khói thuốc và một số cửa hàng khuyến cáo nồng độ này rất độc hại.

Cô bé tuổi teen cho biết không để ý đến việc đó so với cảm giác sành điệu mà nó mang lại. “Vì vẻ ngoài như món đồ chơi và không để lại mùi thuốc lá nên bố mẹ con không phát hiện ra. Chị gia sư biết bởi cũng hút”, cô bé kể.

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khí/khói tạo ra. Nhiều loại chất mới chưa xác định được mức độ độc hại.

Kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế cho thấy loại thuốc lá này gây nghiện do có chứa nicotine; gây các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, tổn thương phổi cấp, ngộ độc và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.





Nam sinh 17 tuổi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc. Bệnh viện Bạch Mai tháng 11/2023 sau khi hút thuốc lá điện tử hình hộp sữa, vị việt quất. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nam sinh 17 tuổi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc. Bệnh viện Bạch Mai tháng 11/2023 sau khi hút thuốc lá điện tử hình hộp sữa, vị việt quất. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong hai năm qua trung tâm đã tiếp nhận hơn 130 trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều bệnh nhân rất trẻ.

Ông cho biết con người sử dụng nước uống, không khí, thực phẩm tất cả đều có tiêu chuẩn chặt chẽ. Nhưng các loại thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, nung nung nóng và nhiều loại khác chưa được biết đến rộng rãi), vốn là các loại sử dụng hóa chất trên cơ thể để “ăn chơi” mà chưa bao giờ kiểm soát được. “Đó là một sự vô lý”, chuyên gia nói.

“Cần ngay lập tức cấm lưu hành các loại thuốc lá mới ở Việt Nam, cần cấm hoàn toàn, không chờ thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi”, bác sĩ Nguyên đề xuất.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Trong đó Trung Quốc là nước phát minh thuốc lá điện tử từ 2003, nhưng đã bắt đầu cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử).

Đến giờ mẹ của Diệu Nhi vẫn không biết có mối liên hệ nào giữa việc con hút thuốc và tình trạng bị táo bón nặng. Trước đó cô bé không bao giờ bị tình trạng này nhưng đợt gần Tết 2024 có những đợt bị táo bón tới 7 ngày và phải ba lần tới bệnh viện để thông.

Từ sau lần con phải viết cam kết, vợ chồng chị hàng ngày đưa đón đi học, cũng đưa con đi chuyên gia tâm lý cùng phối hợp giúp con cai thuốc. Tuy nhiên người mẹ vẫn không dám chắc con đã từ bỏ hoàn toàn chưa.

“Nhưng từ lúc đó con không bị táo bón nữa.”, người mẹ nói.


[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *