Điều gì xảy ra với những người sống sót sau khi sét đánh?

[ad_1]

Người sống sót sau khi sét đánh có thể bị mất trí nhớ, đau dây thần kinh mạn tính, trầm cảm, rò rỉ chất lỏng vào các mô xung quanh gây ra hiện tượng hoa sét.

Sau hai ngày cấp cứu, người phụ nữ 30 tuổi bị sét đánh tại Hà Nội hôm 5/6 đã hồi tỉnh, song tình trạng còn nặng. Vết bỏng trên mặt in hình dây chuyền đeo cổ. Thực tế, khoảng 90% số người từng bị sét đánh đã sống sót. Một tia sét xuyên qua cơ thể trong vòng chưa đầy một giây, thường thì không đủ thời gian để để lại dấu vết.

Tuy nhiên, những người sống sót thường bị tổn thương thần kinh, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và các triệu chứng thần kinh tương tự chấn thương của cầu thủ bóng đá, chẳng hạn suy giảm khả năng phán đoán và khó tập trung, theo tiến sĩ Mary Ann Cooper, chuyên gia an toàn chống sét tại Hội đồng An toàn Sét Quốc gia Mỹ.

Hiện chưa rõ những chấn thương não này xảy ra thế nào do số ca sét đánh ít và tình trạng thiếu kinh phí nghiên cứu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các chấn thương bắt nguồn từ tổn thương mô do dòng điện, chấn thương do lực tác động và sự thay đổi áp suất khí quyển đột ngột.

Các tình trạng này khá nghiêm trọng, thậm chí gây suy nhược cơ quan, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia. Một số người sống sót sau sét đánh cho biết họ bị mất trí nhớ, đau dây thần kinh mạn tính, trầm cảm. Một số trường hợp thậm chí cho rằng bản thân có khả năng tâm linh.

“Một khi bị sét đánh, bạn không còn là con người cũ nữa”, Ryan Blumenthal, nhà nghiên cứu bệnh học phát y tại Đại học Pretoria ở Nam Phi, cho biết.





Sét đánh xuống Hà Nội trong cơn mưa giông ngày 26/5. Ảnh: Vũ Anh

Sét đánh xuống Hà Nội trong cơn mưa giông ngày 26/5. Ảnh: Vũ Anh

Một số người sống sót xuất hiện “hoa sét” (Lichtenberg) trên lưng, có hình dạng giống cây dương xỉ. Đây là các mạch máu bị tổn thương, rò rỉ chất lỏng vào các mô xung quanh. Theo báo cáo năm 2020 của Tạp chí Y học New England, một người đàn ông 54 tuổi bị sét đánh ban đầu choáng váng, tê liệt, sau đó xuất hiện hình hoa sét trên cánh tay phải, đùi, lưng và mông. Tuy nhiên, các triệu chứng này không gây đau đớn và biến mất sau hai ngày.

Người bị sét đánh nhiều nhất thế giới là Roy Sullivan, nhân viên kiểm lâm của Công viên Quốc gia Shenandoah. Từ năm 1942 đến năm 1977, Sullivan bị sét đánh 7 lần. Dù bị bỏng, tóc và quần áo bốc cháy, ông vẫn sống sót. Đến năm 1983, ở tuổi 72, ông tự tử. Ý muốn tự tử cũng là triệu chứng khác mà một số người sống sót sau sét đánh gặp phải. Họ có thể gặp các cơn đau dữ dội hoặc các vấn đề về tâm lý.

Thương tích do sét đánh là loại thương tích có thể phòng tránh được ở các nước phát triển. Theo Cooper, khi đang ở ngoài giữa cơn giông sét, bạn cần tìm đến nơi an toàn một cách nhanh nhất và không ra ngoài cho đến khi tiếng sấm đã dừng 30 phút.

Thục Linh (Theo Live Science)


[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *