[ad_1]
Vài lần tham dự đám cưới của những cô dâu, chú rể là công nhân nghèo, tôi hiểu tiền mừng cưới của khách mời quan trọng thế nào với họ.
Trong bất kỳ tấm thiệp cưới nào, chúng ta đều có thể dễ dàng nhìn thấy một câu sáo ngữ: “Sự hiện diện của quý khách là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”. Thế nhưng, thực tế đôi khi không hẳn là vậy.
Hơn 20 năm trước, khi tôi còn làm việc tại một công ty gần khu vực Sóng Thần, Thủ Đức, có một dãy nhà hàng tiệc cưới mang nét đặc trưng rất riêng. Gần như đối tượng khách hàng chủ yếu mà họ phục vụ là những cô dâu, chú rể cùng là công nhân tại các nhà máy gần đó, khách dự tiệc cũng đa phần là bạn bè, đồng nghiệp làm cùng. Những đám cưới như vậy thường được tổ chức vào những ngày lãnh lương, năn nỉ để tránh không tăng ca.
Và cứ đúng giờ tan ca (sau 17h), lớp lớp thực khách trong những bộ đồng phục công nhân đến dự tiệc cưới của bạn mình. Điểm đặc biệt ở những đám cưới nghèo này luôn là: nhà hàng chỉ nhận tượng trưng số tiền đặt cọc ít ỏi, phần còn lại được thanh toán bằng chính việc gỡ phong bì mừng cưới của khách đến dự tiệc. Thành ra, điều cô dâu, chú rể thật sự mong muốn chính là sự hiện diện của bạn bè, vì nó gần như bảo đảm cho việc chi trả vừa đủ cho tiệc cưới của họ. Bản thân họ và khách mời cũng vốn rất khó khăn trong kiếp sống xa quê với đồng lương ít ỏi.
Tôi có vài lần đi dự những đám cưới thế này, và được tận mắt chứng kiến ánh mắt mừng vui của các cặp đôi trẻ khi khách mời tới dự đông đủ; hoặc sự buồn bã của những đôi bạn trẻ khi đồng nghiệp phải tăng ca nhiều, kẹt tiền mà không thể đến dự đám cưới của họ. Bởi số lượng khách tới dự gắn liền với sự thiếu hụt sau tiệc cưới. Và tôi cảm thông cho chuyện nhiều người đắn đo, ưu tư thiên về tiền bạc trong ngày vui của họ.
>> Cô dâu, chú rể khó chịu khi tôi mừng cưới bằng hai chai champagne
Gần đây, một câu chuyện bi hài xảy ra ở An Giang, chú rể mất trước ngày cưới một ngày. Gia đình cô dâu sau khi cùng lo hậu sự cho người xấu số, đã buộc phải đãi tiệc cưới 15 bàn để mời bà con hàng xóm tới dự. Nếu chỉ nghe qua, có lẽ ai cũng sẽ ngạc nhiên, thậm chí tức giận vì hành động này của nhà gái.
Nhưng những người hàng xóm đều hiểu và thông cảm cho quyết định này cả gia đình cô dâu. Bởi nhà họ quá nghèo, cỗ bàn đã đặt trước hết, nếu không mời khách thì họ chẳng biết lấy tiền đâu ra để trả tiền cỗ, dù số tiền chỉ khoảng vài ba chục triệu đồng. Tình cảnh khốn khó khiến họ phải nuốt nước mắt vào trong.
Kể hai câu chuyện trên, để các bạn thấy rằng, vẫn còn rất nhiều trường hợp rất khó khăn mới tổ chức được một đám cưới. Nên họ nghĩ nhiều đến tiền mừng cưới cũng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, đọc nhiều bài viết gần đây, tôi thấy có vẻ như nhiều người đang có suy nghĩ khá tiêu cực về những phong bì mừng cưới. Tất nhiên, cũng có những biến tướng khiến người ta có suy nghĩ như vậy, nhưng đó không phải là tất cả.
Xin đừng biến câu nói “Sự hiện diện của quý khách là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi” chễm chệ trên thiệp cưới trở thành một sự đùa cợt không có điểm dừng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- ‘Bạn mừng cưới một chỉ vàng, tôi mừng lại chỉ 3,5 triệu’
- Nhóm bạn thân 10 năm không ai đến dự hay gửi tiền mừng cưới tôi
- Bạn bè gửi tiền mừng cưới dù tôi không mời
- Nhóm bạn thân không mừng cưới tôi đồng nào
- Đồng nghiệp dò hỏi mừng cưới bao nhiêu tiền
- Áp lực ‘trả nợ’ từ thiệp mời cưới in mã QR
Source link