[ad_1]
Barry Romo, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và dẫn đầu phong trào phản chiến năm 1971, đã qua đời tại Chicago ở tuổi 76.
Tổ chức Cựu binh Phản đối chiến tranh Việt Nam (VVAW) thông báo ông Barry Romo, cựu điều phối viên quốc gia trong hơn bốn thập niên, đã qua đời tại Chicago sau một cơn đau tim hôm 1/5, Washington Post ngày 7/5 đưa tin.
Roberto Clack, phát ngôn viên VVAW, cho hay ông Romo bị nhồi máu cơ tim tại nhà và được chuyển đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Ông Romo nhập ngũ và được điều đến Việt Nam tham chiến vào năm 1966. Ông sau đó được điều về Mỹ huấn luyện tân binh, rồi xuất ngũ vào năm 1969 ở California.
Chứng kiến nhiều nỗi đau thương, cùng với cái chết của người cháu vào năm 1968 trên chiến trường Việt Nam, Barry Romo nhận ra sự vô nghĩa của cuộc chiến. Ông bắt đầu tham gia các phong trào biểu tình yêu cầu Mỹ rút quân từ năm 1970.
Tháng 4/1971, Romo đã tổ chức đưa hàng nghìn cựu binh Mỹ đến Washington biểu tình phản chiến, cắm trại ở Quảng trường Quốc gia nối giữa Đài tưởng niệm Lincoln và Đài tưởng niệm Washington.
Ông còn dự các buổi điều trần tại Thượng viện, tổ chức biểu tình ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington, trước Tòa án Tối cao và Lầu Năm Góc để phản đối cuộc chiến.
Hình ảnh Romo cùng hàng trăm cựu binh ngày 23/4/1971 vứt bỏ huân chương, giấy xuất ngũ và kỷ vật chiến tranh trước thềm tòa nhà quốc hội Mỹ đã đi vào lịch sử, gây rúng động dư luận Mỹ và tăng thêm sức mạnh cho phong trào biểu tình phản chiến khắp thế giới.
“Tôi hành động không vì động cơ bạo lực, mà vì hòa bình và công lý. Tôi sẽ cố gắng giúp đất nước mình thức tỉnh một lần và mãi mãi”, cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một trong những lãnh đạo VVAW cùng giai đoạn với Barry Romo, từng nói về ý nghĩa sự kiện năm 1971 trước Đồi Capitol.
Tháng 12/1972, Romo đến thăm Hà Nội cùng một nhóm công dân Mỹ có tiếng nói trong phong trào phản chiến, gồm ca sĩ Joan Baez, giáo sư Michael Allen của Trường Thần học Đại học Yale và chuẩn tướng Telford Taylor, cựu công tố viên trưởng của Tòa án Nuremberg về tội ác của phát xít trong Thế chiến II.
Trong hai tuần ở Hà Nội, phái đoàn vận động phản chiến Mỹ đã chứng kiến mức độ thảm khốc của chiến dịch ném bom Linebacker II. Ông Telford Taylor mô tả chiến dịch ném bom rải thảm của Mỹ “tàn khốc hơn cả những trận bom mà phát xít Đức từng nhắm vào London trong Thế chiến II”.
“Trong giai đoạn cao điểm của phong trào phản chiến, ông Romo là tiếng nói nổi trội trong cộng đồng cựu quân nhân phản đối luận điệu từ Lầu Năm Góc và Nhà Trắng rằng cuộc xung đột là cần thiết và chiến thắng trong tầm tay”, nhà báo Brian Murphy bình luận về vai trò của Romo trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.
“Ông Romo và những cựu binh khác đã góp thêm sức mạnh cho các cuộc biểu tình rộng khắp của sinh viên, người chống quân dịch, các tổ chức tôn giáo và những nhóm khác”, Murphy viết.
Thanh Danh (Theo Washington Post)
Source link