Công nhân kể giây phút thoát khỏi hố bùn sau lở núi

[ad_1]

Hà TĩnhThấy trời đổ mưa lớn, sấm chớp liên hồi, ông Đồng Ánh Ngọc giục 17 đồng nghiệp thu gom đồ đạc rời đi nhưng chỉ vài giây sau đất đá ập xuống vùi lấp lán trại cùng 7 người.

14h30 ngày 6/5, nhóm 18 công nhân đang thi công đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu đoạn qua tổ dân phố Lê Lợi, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh thì trời đổ mưa lớn. Cả nhóm cùng trú mưa tại lán trại dựng bằng cây rừng, ở độ cao 4-5 m sát chân núi.

Lúc này, ông Đồng Ánh Ngọc, 55 tuổi, trú xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đang ở trong lán chuẩn bị nấu bữa cơm chiều. Thấy nước chảy ào ào như thác từ trên núi xuống kèm tiếng sấm chớp liên hồi, ông nhắc mọi người tắt điện thoại phòng rủi ro, đồng thời khẩn trương thu gom đồ dùng cá nhân để di chuyển đến vị trí an toàn hơn tránh trú.





Ông Đồng Ánh Ngọc kể lại giây phút bị đất đá vùi lấp, khuya 6/5. Ảnh: Đức Hùng

Ông Đồng Ánh Ngọc kể lại giây phút bị đất đá vùi lấp, khuya 6/5. Ảnh: Đức Hùng

“Tôi vừa dứt lời thì nghe một tiếng rầm. Đất đá từ trên núi đổ xuống lán, mọi người chạy túa ra xa. Tôi bị đẩy xuống một cái hố ở dưới chân núi, cách vị trí ban đầu khoảng 5 m”, ông Ngọc kể lại khi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh với chân phải bị thương nặng phải băng bó và gương mặt trầy xước.

Hố sâu hơn một mét, ông Ngọc thấy một hòn đá cỡ 30 cm ở phía trên, với tay bám vào định bò lên nhưng đá rớt xuống trúng chân khiến chảy máu. Cắn răng chịu đựng, ông đảo mắt xung quanh thấy có rễ cây nên bám vào làm điểm tựa.

“Lúc đó tôi xác định sẽ chết rồi. Nhưng tôi nghĩ nếu chết thì cũng phải ra đi thanh thản nên bịt mũi lại để bùn đất không lọt vào cơ thể, sau đó dùng hết sức bình sinh bò lên trên để níu kéo hy vọng sống lần cuối”, ông Ngọc nói.





Các nạn nhân chủ yếu bị thương vùng chân, tay và vai, phải băng bó. Ảnh: Đức Hùng

Các nạn nhân chủ yếu bị thương vùng chân, tay và vai, phải băng bó. Ảnh: Đức Hùng

Lên được khỏi hố và thoát chết trong gang tấc, ông Ngọc ngoái đầu nhìn thấy vị trí nơi đặt lán đã bị đất đá san phẳng. Một vạt núi dài khoảng 30 m, rộng hơn 10 m cây cối mất hết, lộ ra đất đá. Nhiều đồng nghiệp bị thương, gương mặt còn chưa hết bàng hoàng, cạnh đó là 3 thi thể bị đất đá vùi lấp.

Ông Ngọc mới vào nấu cơm cho đội thợ thi công cột trụ đường dây điện 500 kV khoảng hai ngày, tiền công 500.000-550.000 đồng một ngày. Thông thường, mỗi cột trụ thường chỉ đổ trong vòng 10-15 ngày, nên nhóm công nhân thường dựng lán ở tạm cách điểm xây cột hơn chục mét, xong việc thì đi nơi khác dựng lán mới. Theo ông Ngọc, lán kết cấu bằng cây rừng, phủ bạt nên không an toàn, chỉ chịu được những trận mưa nhỏ, mưa lớn sẽ bị nước cuốn phăng.

“Mấy hôm trước trời nắng gắt, hôm nay là đợt mưa lớn đầu tiên, mới chỉ kéo dài khoảng chục phút thì xảy ra sự cố. May mắn là tôi phúc lớn nên không bị đá rơi trúng đầu, nhưng nhìn thấy đồng nghiệp tử vong thì không thể cầm lòng”, ông Ngọc nói, lấy tay lau nước mắt.





Anh Thủy bị gãy xương sườn sau khi chạy thoát khỏi vụ lở núi. Ảnh: Đức Hùng

Anh Thủy bị gãy xương sườn sau khi chạy thoát khỏi vụ lở núi. Ảnh: Đức Hùng

Ngồi trên giường bệnh với chiếc xương sườn phải bị gãy, phải băng bó, anh Hoàng Đình Thủy, 30 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cho hay cũng mới gia nhập đội thi công trụ điện hai ngày. Khi trời mưa kèm sấm sét, anh vào lán trú được 10 phút thì nghe tiếng động lạ từ trên núi. Thấy người xung quanh hét lên “chạy chạy”, theo bản năng anh cũng vứt lại đồ đạc trong lán rồi lao ra ngoài để thoát thân.

“Chạy được vài mét thì thấy đất đá như đang đuổi phía sau mình. Tôi vấp trúng hòn đá lớn rồi ngã nhào xuống dưới chân núi, cách hiện trường hơn 20 m”, anh Thủy nói, cho hay đến bây giờ vẫn cảm thấy ớn lạnh khi nhớ lại dòng “lũ bùn và cây cối” đổ ập xuống lán trại.





Đồ đạc tại lán trại vương vãi sau vụ sạt lở. Ảnh: Hùng Lê

Đồ đạc tại lán trại vương vãi sau vụ sạt lở. Ảnh: Hùng Lê

Nhận tin báo, sau khoảng chục phút, nhà chức trách Hà Tĩnh huy động hơn 100 người gồm công an, quân đội, dân quân địa phương, lực lượng thi công tiếp cận hiện trường, tìm kiếm người tử vong và đưa người bị thương đi cấp cứu.

Hiện thi thể 3 công nhân tử vong đã được bàn giao gia đình, 4 nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, sức khỏe dần ổn định.

Cơ quan chuyên môn nhận định sạt lở núi là do ảnh hưởng của mưa lớn. Sau chuỗi ngày nắng nóng kéo dài, ba hôm nay Hà Tĩnh có mưa nhiều nơi. Các huyện miền núi xuất hiện mưa lớn cục bộ, vùng biển sóng to gió lớn.

Công nhân kể giây phút thoát khỏi hố bùn sau lở núi

Cứu hộ đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường. Video: Hùng Lê

Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu (mạch 3) đoạn đi qua tỉnh Hà Tĩnh dài khoảng 141 km, gồm 285 vị trí qua 8 huyện, thị xã.


Đức Hùng

[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *