[ad_1]
Yên BáiNgười đàn ông 45 tuổi tê đùi trái, nổi mụn nhỏ như mụn trứng cá, nặn ra một đầu trắng và kéo được đoạn dài 10 cm thì đứt.
Người bệnh ở huyện Văn Yên, làm ruộng. Triệu chứng tê bắt đầu xảy ra 10 ngày trước. Sau khi nặn mụn, anh thấy đầu trắng quá dài nên đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, ngày 1/11. Bác sĩ khám vết thương phát hiện còn một phần giun trắng đang thò ra ngoài khoảng 1 cm, dùng kẹp kéo giun ra ngoài, chẩn đoán bệnh nhân nhiễm giun rồng.
Người bệnh cho biết từng ăn gỏi cá, tiết canh, các món tái…, mấy năm nay không tẩy giun, sán. Bệnh nhân được dùng thuốc tẩy giun điều trị liều cao, về Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Trần Tuyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, cho biết giun rồng có tên khoa học là dracunculus medinensis gây bệnh ở người và động vật. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và xâm nhập vào cơ thể qua nước uống hoặc thức ăn như ăn tái, sống từ các động vật thủy sinh (cá, ếch, nhái, tôm…) có chứa ấu trùng giun rồng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh và tỷ lệ mắc có thể lên tới 60%.
Đây là loại giun tròn, dài nhất trong nhóm giun gây nhiễm trên người, giun cái trưởng thành có chiều rộng 1-2 mm, dài khoảng 70-120 cm, mỗi giun cái có thể mang tới 3 triệu ấu trùng, giun đực ngắn 4cm, chết sau khi giao phối với giun cái.
Bệnh giun rồng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) loại trừ trên phạm vi toàn cầu từ năm 2018, WHO đã chứng nhận 199 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực không ghi nhận trường hợp mắc bệnh.
Bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài 9-14 tháng và tiến triển âm thầm, ít khi gây tử vong trực tiếp nhưng có thể tử vong do biến chứng của bệnh như nhiễm trùng thứ phát, áp xe lạnh xuất hiện tại chỗ giun chết, nhiễm trùng khớp… tê liệt tủy sống, liệt nửa người do giun bị chết và vôi hóa. Các biến chứng này làm hạn chế khả năng học tập, làm mất khả năng lao động, hoặc suy kiệt do diễn biến bệnh kéo dài. WHO đánh giá bệnh đang là gánh nặng bệnh tật, gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.
Việt Nam đã được WHO chứng nhận không có ca bệnh từ năm 1998, đến năm 2019. Năm 2020, theo báo cáo của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương, Việt Nam phát hiện 4 trường hợp.
Khi mới mắc bệnh thường không phát hiện có triệu chứng đặc biệt nào. Khoảng một năm sau khi mắc bệnh, khi con giun cái bắt đầu di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, người bệnh có thể có các dấu hiệu sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú.
Vài ngày tiếp theo, vết sưng tấy vỡ tiết ra dịch vàng, tại ổ tổn thương phát hiện một đoạn con giun màu trắng từ trong chui ra ngoài (thường là phần đầu con giun), nếu không có tác động thì con giun thường tự chui ra ngoài hoàn toàn sau 3-6 tuần.
Một số người bệnh tự kéo làm đứt nửa chừng sẽ khiến ấu trùng giun và các chất độc giải phóng ra ngoài lây lan theo đường đi của giun làm cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn, nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe do giun chết trước khi thải ra ấu trùng giun hoặc uốn ván.
Bác sĩ khám xác định nếu tìm thấy giun từ ổ áp xe hoặc biểu hiện trên X-quang của một con giun đã bị vôi hóa.
Bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, bát, đĩa…) đặc biệt vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống. Nấu chín kỹ khi sử dụng các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…), chôn hoặc đốt, hoặc rắc vôi bột phần ruột, đầu… sau khi chế biến hạn chế phát tán nguồn lây. Không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…).
Những người bệnh đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh không tắm, rửa tại ao hồ, hoặc các nguồn nước sinh hoạt khác để tránh phát tán ấu trùng ra môi trường; làm sạch vết thương, băng bó thường xuyên vùng da bị bệnh cho đến khi lấy hết hoàn toàn giun ra khỏi cơ thể.
Source link