[ad_1]
Người dân TP HCM và các thành phố lớn làm “vườn đô thị”, ngoài có nông sản sạch để sử dụng, họ còn có thêm thu nhập.
5 năm qua, sân thượng và ban công được bà Vũ Thị Kim Tuyến (quận 12, TP HCM) tận dụng để trồng thêm rau xanh. Mỗi năm vườn đô thị của bà thu hoạch hàng tấn sản phẩm rau, củ các loại. Ngoài tiêu dùng cho gia đình, bà Tuyến còn cung cấp cho 5-6 hộ dân xung quanh.
“Vườn đô thị” tại gia đình trở thành xu hướng phát triển vài năm gần đây, trong bối cảnh nguồn cung thực phẩm ở các thành phố lớn phụ thuộc ngày càng tăng vào địa phương khác.
Chia sẻ tại hội thảo “Nông nghiệp đô thị lợi ích kép cho người dân” chiều 6/6, GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng nguồn cung nông sản đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn, tại TP HCM, đô thị hóa mạnh khiến đất nông nghiệp giảm mỗi năm 1.000 ha. Hiện 80% nguồn thực phẩm của thành phố được nhập từ các địa phương lân cận.
Đồng quan điểm, TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành công nghiệp sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng (Đại học Văn Lang), cho hay hiện nông nghiệp TP HCM chỉ cung ứng được 28% nhu cầu về rau xanh, 11% heo hơi và 14% thủy hải sản… cho tiêu dùng của người dân.
“Đây là con số rất thấp, nguy cơ tới năm 2030 khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, biến đổi khí hậu sẽ khiến các vùng trồng lớn bị ảnh hưởng”, bà Quyền nhận xét.
Trước nguy cơ nguồn cung giảm, phụ thuộc vào các địa phương khác, cùng áp lực tăng giá, bà Quyền cho rằng TP HCM, nhiều thành phố lớn cần phát triển nông nghiệp đô thị.
Nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong, xung quanh thành phố. Mô hình này cung cấp thực phẩm tươi sống, tạo việc làm, tái chế chất thải và tăng khả năng phục hồi của thành phố trước biến đổi khí hậu.
Cuối năm ngoái, TP HCM đã duyệt chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, với nhiều hỗ trợ dành cho người dân khi phát triển mô hình “vườn đô thị”. Theo đó, các dự án này có thể được vay tối đa 200 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi suất 60-100% với thời gian không quá 5 năm.
“Phát triển nông nghiệp đô thị, nguồn cung thực phẩm cho thành phố lớn sẽ ổn định, giá sản phẩm rẻ hơn 10-30%”, bà Quyền nói, thêm rằng trên thế giới có những hộ dân làm nông nghiệp đô thị có thể thu tiền tỷ nhờ bán cho các cơ sở, hệ thống bán lẻ.
Với 110 m2 vườn rau trên sân thượng, ngoài tiết kiệm tiền mua thực phẩm, bà Tuyến ước tính mỗi năm thu 100 triệu đồng trong khi chi phí ban đầu bỏ ra chỉ bằng một nửa.
Thi Hà
Source link