Cô gái bệnh bạch hầu chuyển viện về Bắc Giang cách ly theo dõi

[ad_1]

Sau khi điều trị ổn định tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cô gái 18 tuổi mắc bệnh bạch hầu được chuyển viện về Bắc Giang tiếp tục cách ly theo dõi.

Tối 9/7, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thông tin trên, thêm rằng nhờ phát hiện sớm và điều trị dự phòng, sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn bạch hầu, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng mà không gặp các biến chứng nghiêm trọng.

“Khi phát hiện dương tính với bạch hầu, bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu sớm”, bác sĩ Cấp nói.

Cô gái này được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Bắc Giang ghi nhận dương tính với bạch hầu hôm 6/7. Cô bị lây nhiễm vào cuối tháng 6 trong chuyến đến Nghệ An thi tốt nghiệp PTTH và ở chung phòng với một nữ sinh mang mầm bệnh bạch hầu. Nữ sinh này tử vong hôm 5/7, trong khi cô gái đã về Bắc Giang và di chuyển đến nhiều nơi nên CDC cảnh báo nguy cơ bệnh lây lan cộng đồng. 134 người tiếp xúc gần với hai bệnh nhân trên đã được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh.

Theo ông Cấp, những năm gần đây bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận các ca bạch hầu từ tuyến dưới chuyển đến, trong đó có bệnh nhân từ Hà Giang và Điện Biên. Bạch hầu có thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, triệu chứng ban đầu giống viêm họng như đau họng, ho, khó nuốt, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục, một số trường hợp có thể tiến triển nặng và nguy hiểm.

Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu là sự phát triển nhanh chóng của giả mạc, bít tắc đường hô hấp hoặc gây sặc khi hít phải các mảnh giả mạc. Ngoài ra, độc tố bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, dẫn đến suy tim cấp, sốc, suy đa tạng và tử vong. Biến chứng cũng có thể xảy ra trên thận, gan và tuyến thượng thận.

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ của vaccine đã hết. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10-20%. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bệnh bạch hầu thấp hơn nhiều so với Covid-19. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn từ người nhiễm bệnh hoặc qua đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu.

“Bệnh có thể xuất hiện rải rác ở các vùng nhưng không thể gây ra một đại dịch như Covid-19, vì vậy người dân không nên quá lo lắng”, bác sĩ Cấp nói. Để phòng bệnh bạch hầu, cách hiệu quả là tiêm vaccine. Hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu khoảng 10 năm, sau đó cần tiêm nhắc lại để duy trì.

Việt Nam hiện không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vaccine phối hợp bao gồm thành phần kháng nguyên bạch hầu. Vaccine này được cung cấp qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) hoặc tiêm dịch vụ (có trả tiền) tại các cơ sở tiêm chủng. Bộ Y tế ghi nhận hàng triệu trẻ em đã được bảo vệ khỏi nhiều bệnh tật bằng vaccine, từ năm 1985. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến cuối 2023, do dịch Covid-19 và những khó khăn về nguồn cung sau dịch, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng xảy ra trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng đến lịch tiêm chủng của trẻ.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Thúy Quỳnh


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *