Chuyện tình của cô gái Do Thái và người vợ lính Đức Quốc xã

[ad_1]

Lilly và Felice ở hai thế giới đối nghịch nhưng họ đã có quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi trước khi gọng kìm Đức Quốc xã chia rẽ họ.

Elisabeth “Lilly” Wust là người mẹ 4 con, vợ của một lính Đức Quốc xã. Felice Schragenheim là một phụ nữ Do Thái làm việc tại một tờ báo phát xít Đức, chuyển những thông tin giá trị cho thế giới ngầm người Do Thái.

Họ bị hấp dẫn bởi đối phương gần như ngay lập tức. Không gì có thể dập tắt được tình yêu giữa hai người, kể cả cỗ máy chiến tranh của Hitler.

Felice mới 16 tuổi vào thời điểm diễn ra cuộc tàn sát Kristallnacht tháng 11/1938, trong đó hàng loạt giáo đường Do Thái bị đốt cháy và hàng chục nghìn người Do Thái bị đưa đến các trại giam. Sự kiện này thường được cho là điểm khởi đầu của Holocaust.





Elisabeth Lilly Wust (phải) và Felice Schragenheim trong bức ảnh chụp chung bên bờ sông Havel tháng 8/1944. Ảnh: Bảo tàng Do Thái Berlin

Elisabeth “Lilly” Wust (phải) và Felice Schragenheim trong bức ảnh chụp chung bên bờ sông Havel tháng 8/1944. Ảnh: Bảo tàng Do Thái Berlin

Cô là một học sinh thông minh, nhưng vì là “người Do Thái chính gốc” cuối cùng trong lớp, Felice đã bị đuổi khỏi trường trung học ở Berlin. Không lâu sau, người Do Thái bị cấm đến rạp chiếu phim công cộng. Gia đình Felice cũng bị đuổi khỏi của họ nhà.

Lilly Wust gặp chồng năm 1933, năm Hitler trở thành thủ tướng Đức. Khi chồng cô, Gunther, đang ở tiền tuyến và vướng vào những cuộc tình ngoài luồng, Lilly cũng không thiếu đàn ông vây quanh. Nhưng chính Felice mới là người khơi dậy “tất cả ngọn lửa trong trái tim tôi”, Lilly sau này viết.

Hai người gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 27/11/1942, khi Lilly, 29 tuổi, tóc đỏ, mặt nhiều tàn nhang, đi cùng cô hầu gái Inge Wolf đến gặp một người bạn của Inge tại quán Cafe Berlin. Người bạn đó là Felice, 20 tuổi, cô gái tóc nâu thanh lịch trong bộ vest màu đỏ thẫm, đôi chân dài bọc trong quần tất lụa. Lilly không biết rằng cô gái mới quen là người Do Thái.

Lilly nhanh chóng mời Felice đến nhà cô để ăn tối. Bữa ăn này dẫn đến bữa ăn khác, và không lâu sau, họ trở nên thân thiết. Felice phát những bài hát tiếng Pháp bị cấm trên máy ghi âm của cô trong khi Lilly chuẩn bị bánh mì với thịt nguội và trứng.

Lilly không hỏi nhiều về công việc hay gốc gác của Felice. Felice tiếp tục giữ bí mật cô là người Do Thái. Vài năm trước đó, gia đình cô đã lên kế hoạch di cư đến Palestine. Chú của cô, một bác sĩ ở Mỹ, cũng nộp đơn xin thị thực để đưa Felice đến Mỹ. Nhưng chỉ vài tháng sau, các nước Tây Âu đóng cửa biên giới và khi chiến tranh nổ ra, việc đi sang Mỹ gần như trở nên bất khả thi.

Một hôm, tại nhà của mình, Lilly thấy chồng cô đang hôn người hầu gái Inge. Choáng váng, cô đi vào bếp, nơi cô bất ngờ bị Felice kéo vào một nụ hôn. Lilly vùng ra. Trong hai ngày, họ giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.

Trong lúc đó, Đức Quốc xã đang tiến hành Giải pháp Cuối cùng, kế hoạch nhằm tiêu diệt một cách có hệ thống toàn bộ người Do Thái ở châu Âu. Xe tải của lực lượng Waffen-SS bắt công nhân Do Thái từ các nhà máy. Bom của quân đồng minh dội xuống Berlin. Vợ chồng Wust phải ẩn náu dưới hầm trú ẩn. Felice ở cùng bạn bè trên núi. Nhưng mối liên hệ giữa hai người phụ nữ ngày càng sâu sắc hơn. Họ giao ước nghĩ về nhau mỗi tối lúc 21h. Chuyện tình của họ tiếp tục nảy nở qua những lá thư khi Lilly phải nhập viện vì nhiễm trùng hàm.

“Felice, khi nào chúng ta được ở nơi chỉ có riêng hai ta? Chị vẫn còn ốm, nhưng sau cùng chúng ta sẽ được ngã vào vòng tay nhau và trên thế giới này sẽ chỉ có hai ta”, Lilly viết trong thư.

Vào ngày kỷ niệm 9 năm ngày cưới của Lilly, chồng cô xuất hiện tại bệnh viện với hoa. Nhưng khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng rõ ràng. Tối hôm đó, Felice đến bên giường Lilly, tóc cô cọ vào má Lilly. Lilly đầu hàng trước nụ hôn của Felice.

Felice lúc bấy giờ đang phải cố gắng trốn tránh bộ máy truy lùng của Đức Quốc xã. Đã hai năm trôi qua kể từ khi người Do Thái bị đưa vào tầm ngắm. Bà của cô nằm trong số những người bị vây bắt và xử tử.

Câu chuyện về mối tình giữa Felice và Lilly được ghi lại trong một cuốn sách xuất bản năm 1994 của Erica Fischer, người đã phỏng vấn Lilly khi bà 80 tuổi. Năm 1999, họ chuyển thể cuốn sách thành bộ phim tiếng Đức Aimée & Jaguar, biệt danh hai người đặt cho nhau.

Khi người Do Thái bị chuyển đến trại tập trung Auschwitz và trại trung chuyển Theresienstadt, Felice chuyển tới sống cùng Lilly. Chồng Lilly đã bị sốc khi cô đề cập đến việc ly hôn.

Nhưng Felice vẫn tiếp tục biến mất nhiều ngày trong những “chuyến công tác”. Bí ẩn về tung tích của cô ấy ăn mòn tâm trí Lilly. Felice cuối cùng đã nhượng bộ.

“Hãy hứa với em chị vẫn yêu em”, Felice nói. “Lilly, em là người Do Thái”.

Sự ngạc nhiên ban đầu nhường chỗ cho cảm thông. “Ngay lúc này, chị yêu em hơn bao giờ hết”, Lilly đáp lại. Cô không để ý tới tình thế nguy hiểm của hai người, chỉ muốn cứu Felice.

Họ vẫn ngủ dậy muộn vào ngày chủ nhật. Lilly may váy cho Felice, bắt đầu suy ngẫm về viễn cảnh một cuộc sống có 4 đứa con, rất ít kinh nghiệm làm việc và không chồng.

Lilly tự soạn một “giấy đăng ký kết hôn” vào ngày 26/6/1943. Một tháng sau, Gestapo, lực lượng cảnh sát mật Đức Quốc xã, ra lệnh tịch thu tài sản của “người phụ nữ Do Thái” Felice Sara Schragenheim. Felice đã nhận được đề nghị bỏ trốn cùng các cộng sự. Lilly cân nhắc việc tạm thời để các con mình ở một ngôi nhà an toàn và theo Felice đi lưu vong. Felice, Inge và một người bạn đã tranh luận về việc vượt biên sang Thụy Sĩ, nhưng cuối cùng họ quyết định rằng Felice sẽ an toàn hơn ở Berlin.

Đây vốn là cơ hội cuối cùng để Felice rời Đức.

Giáng sinh năm đó, Lilly viết cho Felice: “Chị rất hy vọng vào năm tới, chúng ta cuối cùng sẽ có một cuộc sống bình lặng”. Đến năm 1944, giữa lúc người dân Berlin đang dọn dẹp mảnh vỡ từ những ngôi nhà bị ném bom, Felice lẻn vào văn phòng tin tức của tờ National-Zeitung để thu thập thông tin có thể giúp những người khác thoát khỏi kế hoạch Giải pháp Cuối cùng.

Ngày 21/8/1944, hai người đạp xe đến sông Havel. Các con của Lilly được một người bạn chăm sóc. Felice mang theo chiếc máy ảnh Leica cũ. Họ hẹn giờ và chụp những bức ảnh cuối cùng bên nhau. Gestapo đã đợi sẵn ở căn hộ của Lilly khi họ quay lại.





Elisabeth Lilly Wust và Felice Schragenheim tại bờ sông Havel ở Berlin ngày 21/8/1944. Ảnh: Bảo tàng Do Thái Berlin

Elisabeth “Lilly” Wust và Felice Schragenheim tại bờ sông Havel ở Berlin ngày 21/8/1944. Ảnh: Bảo tàng Do Thái Berlin

Felice bỏ chạy, lao xuống những bậc cầu thang, xông vào nấp trong căn hộ của một người hàng xóm. Nhưng cô bị một người hàng xóm khác phản bội. Gestapo kéo cô ra khỏi gầm ghế, đá và kéo cô xuống tầng.

Lilly bị bỏ lại trong phòng, la hét và khóc lóc. Nhưng cô sớm lấy hết can đảm để cố gắng tìm kiếm người mình yêu.

Lilly biết rằng Felice đang ở trong một bệnh viện đã được chuyển thành trại thu gom người Do Thái. Mang theo thuốc lá Pháp để hối lộ lính canh, Lilly bắt đầu đem trái cây và cà chua đến thăm Felice thường xuyên.

Felice và Lilly gặp nhau lần cuối vào ngày 7/9/1944. Họ được phép ở bên nhau nửa giờ. Lilly đưa cho Felice một lọn tóc đỏ, Felice quấn nó quanh chiếc lược của cô.

Ngày hôm sau, Felice bị đưa tới Theresienstadt.

Họ vẫn có thể trao đổi một số lá thư. Nhưng trong vòng một tháng, Felice đã bị đưa lên xe chở gia súc đến Auschwitz, sau đó tới các trại tập trung Gross Rosen và Kurzbach. Felice mắc bệnh ban đỏ, phải nhập viện tại một bệnh viện ở thị trấn Trachtenberg. Cô qua đời không lâu sau đó, có thể tại trại Bergen-Belsen hoặc trong quá trình chuyển trại.

Lilly đã dành nhiều năm viết nhật ký mà cô gọi là “cuốn sách của nước mắt”. Cô tin rằng một ngày nào đó, đây sẽ là tất cả những gì còn lại của tình yêu giữa họ. Lilly gia nhập cộng đồng Do Thái sau chiến tranh và gửi con đến các trường học Do Thái. Con trai Lilly, Eberhard, di cư đến Israel vào năm 1961. Cô đã giữ chiếc khăn quàng cổ đeo khi đến Bức tường Than khóc ở Jerusalem trong cùng chiếc túi nơi cô cất giữ film ảnh chụp cùng Felice bên sông Havel.

Nhưng cô không bao giờ tìm được niềm vui sau khi Felice qua đời. Lilly cất nhật ký của mình cùng các tài liệu, ảnh, thư từ hay những bài thơ về Felice trong hai chiếc vali và đeo chìa khóa quanh cổ. Cô đeo một chiếc nhẫn cưới bằng vàng có khắc chữ “F.S” và một chiếc nhẫn bạc đính viên đá xanh mà cô từng tặng cho Felice. Felice đã trả lại chiếc nhẫn cho Lilly ngay trước khi Gestapo lôi cô ra khỏi căn hộ.

Lilly qua đời năm 2006 và trên bia mộ có khắc tên Felice. Bảo tàng Do Thái ở Berlin lưu giữ nhiều hiện vật tình yêu giữa họ, như những bức thư tình và tờ “đăng ký kết hôn” có dấu son đỏ hình đôi môi của Felice.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *