[ad_1]
Cho rằng học sinh thông minh đến mấy mà sức khỏe kém cũng không làm được gì, chủ tịch Hà Nội yêu cầu các trường sát sao với bếp ăn bán trú, tuyệt đối không bớt xén.
Ông Trần Sỹ Thanh đưa ra yêu cầu trên tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 của ngành giáo dục Hà Nội, sáng 14/8.
Chủ tịch Hà Nội nói thực phẩm trong học đường rất quan trọng, bởi có những học sinh ăn 2-3 bữa một ngày ở trường. Do đó, trước hết, các em phải được ăn sạch.
“Bằng mọi trách nhiệm, tình cảm, phương pháp có thể, phải cho học sinh ăn sạch”, ông nhấn mạnh.
Hai yếu tố tiếp theo là ăn đủ số lượng, chất lượng. Ông Thanh lưu ý các trường học sát sao với đơn vị đấu thầu bếp ăn, đảm bảo đúng, đủ khẩu phần của học sinh, tuyệt đối không bớt xén. Ông lấy ví dụ, bữa ăn 30.000 đồng thì cần làm cho tương xứng, đã gồm lợi nhuận, chứ không thể làm theo “lợi nhuận mong muốn”.
Theo ông Thanh, bữa ăn bán trú nếu không đảm bảo ảnh hưởng tới thể trạng của cả một thế hệ.
“Học sinh mà ốm yếu, bệnh tật, thì 30-50 năm nữa, lứa lao động này sẽ thế nào?”, ông nói. “Thông minh đến mấy mà sức khỏe kém thì cũng không làm được gì”.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu tất cả địa phương, cơ quan chức năng lưu tâm đặc biệt tới vấn đề này “bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học vừa qua, thành phố có 2.875 trường học. Phần lớn trường mầm non (hơn 1.160 trường) và tiểu học (774) tổ chức ăn bán trú.
Hiện, mức trần tiền ăn bán trú công lập là 35.000 đồng một học sinh với bữa trưa, 20.000 đồng với bữa sáng. Giá dịch vụ chăm sóc bán trú là 235.000 đồng một tháng, trang thiết bị phục vụ từ 133.000-200.000 đồng mỗi năm, tùy cấp học. Căn cứ mức trần, các trường được xây dựng mức thu cụ thể, nhưng phải thỏa thuận bằng văn bản với phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện.
Thanh Hằng
Source link