Chính sách không mặn mà mua điện mặt trời mái nhà

[ad_1]

Bộ Công Thương cho rằng điện mặt trời mái nhà được nối lên lưới đã là một sự ưu ái, còn chính sách không mặn mà mua bán với loại năng lượng này.

Nội dung trên được nêu tại Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công Thương về Dự thảo cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo Bộ Công Thương, chính sách không “mặn mà” với mua bán điện mặt trời bởi nguồn điện này không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết. Trong khi, Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đảm bảo cung ứng điện. Khi không có nắng, họ buộc phải huy động một hoặc hai tổ máy nhiệt điện khác để bù vào.

Song, nguồn điện nền (than, khí, thủy điện) này nếu tắt mở liên tục sẽ lãng phí nhiên liệu khởi động, hoặc gây hỏng hóc thiết bị. Ngay cả ở chế độ chờ, các nhà máy vẫn tiêu thụ nguyên nhiên liệu, và EVN phải trả chi phí này khi mua điện.

Thêm vào đó, năng lượng tái tạo có thể sụt giảm đột ngột khi gặp mây, mưa nhưng nguồn chạy nền như nhiệt điện phải mất trung bình 3-4h mới có thể bổ sung, điều chỉnh công suất. “Không có nguồn điện nền bổ sung ngay lập tức sẽ gây tăng sụt áp, làm hư hỏng, giảm tuổi thọ thiết bị điện, thậm chí gây cháy nổ, rã lưới”, Bộ Công Thương cho biết, thêm rằng lúc đó thiệt hại kinh tế, tiền sửa chữa còn tốn hơn tiền tiết kiệm được.





Công nhân lắp đặt tại một dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh:VGP

Công nhân lắp đặt tại một dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh:VGP

Thực tế, ngay từ khi công bố dự thảo về cơ chế với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, quy định về mua bán điện đã gây nhiều tranh cãi. Đề xuất nhận được đồng tình của một số chuyên gia trong bối cảnh chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí. Nhưng số khác lại cho rằng như vậy “không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường”. Do đó, sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia vì suất đầu tư không hiệu quả.

Mới đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khi xây dựng chính sách cần bảo đảm mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo có sẵn, hài hòa lợi ích. “Cần có quy định về hệ thống tích điện để nguồn tự sản, tự tiêu sử dụng không hết được bán thế nào, giá bán trên nguyên tắc nào?”, thông báo nêu, thêm rằng các chính sách “nên khuyến khích bán điện dư thừa, nhưng có điều kiện”.

Tại báo cáo, Bộ Công Thương cho biết, để có thể mua được lượng điện dư thừa, Nhà nước sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí để đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải, cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng.

Thông thường, các nước trên thế giới có tỷ trọng cao về năng lượng tái tạo trong hệ thống điện có hệ thống lưu trữ khổng lồ nhờ liên kết lưới điện khu vực nước khác, hoặc có nguồn điện nền lớn như điện hạt nhân. Họ cũng phải có hệ thống truyền tải được thiết kế để chịu được công suất rất lớn vào một thời điểm trong ngày, khi bức xạ điện mặt trời tăng cao, công suất phát lên lưới tăng đột biến.

“Tất nhiên, các nước giàu có đủ tiềm lực để làm việc đó”, Bộ Công Thương đánh giá, cho rằng Việt Nam chưa được như vậy, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, không bằng nước phát triển như Mỹ, Australia, EU.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo của Việt Nam vào khoảng 33%, nếu tính cả thuỷ điện là 54%. Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ này “quá cao” với nước chưa phát triển, dễ mất an toàn, làm tăng chi phí hệ thống, dẫn đến giá thành điện năng lớn.

“Với tỷ lệ này, nhà nước có thể không khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó có dạng tự sản tự tiêu để đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định hệ thống”, Bộ này cho hay. Nhà chức trách thêm rằng một vài tổ chức, cá nhân phát triển thì không sao. Nhưng nếu cả tỉnh, cả nước cũng phát triển và đẩy lên hệ thống điện, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn hệ thống.

Bộ Công Thương khẳng định Chính phủ đang khuyến khích lắp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, chứ không phải để kinh doanh, như ưu đãi trước đây. Theo Quy hoạch Điện VIII xác định mặt trời áp mái tự sản tự tiêu để sử dụng tại chỗ, không bán vào hệ thống.

Theo cơ quan này, tổ chức, cá nhân lắp đặt sẽ khác nhau ở thiết bị biến đổi điện một chiều thành xoay chiều để sử dụng, gồm 2 loại inverter hoà lưới (on-grid) và không hoà lưới (off-grid). Nếu được đấu nối vào lưới điện, họ chỉ cần mua thiết bị on-grid giá rẻ, có lợi hơn. Còn muốn giữ điện lại, họ phải mua loại off-grid đắt hơn nhiều, cộng thêm chi phí đầu tư bộ lưu trữ điện.

“Tổ chức, cá nhân có thể chọn xả lên lưới là một sự ưu ái, may mắn”, Bộ Công Thương cho biết, thêm rằng việc dùng điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu mang lại lợi ích và tiện ích cho chính họ chứ không phải cho Chính phủ. “Việc đầu tư hệ thống không phải là đầu tư để kinh doanh mà đầu tư để mua sự tiện ích”, Bộ này lưu ý.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Hiện, toàn quốc hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với công suất đạt hơn 9.500 MW, trong đó hơn 50% công suất huy động từ các khu công nghiệp.

Phương Dung


[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *