Cách phòng viêm não, viêm màng não ở trẻ

[ad_1]

Tiêm vaccine đúng lịch, vệ sinh không gian sống, tránh tiếp xúc người bệnh là cách phòng bệnh viêm viêm não, viêm màng não.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quảng, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên trong bối cảnh nhiều ca viêm não Nhật Bản ghi nhận từ cuối tháng 6 đến nay. Mùa hè thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, khiến các tác nhân gây bệnh như virus viêm não Nhật Bản, vi khuẩn não mô cầu, phế cầu khuẩn, Hib… hoạt động mạnh.

“Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, ý thức phòng bệnh chưa cao, nhiều nguy cơ mắc viêm viêm màng não, viêm não trong mùa hè”, bác sĩ Quảng nói, đồng thời khuyến cáo phòng bệnh.

Tiêm vaccine đúng lịch

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng các tác nhân gây bệnh viêm não, viêm màng não. Mỗi độ tuổi cần tiêm các loại vaccine khác nhau.

Trẻ hai tháng tuổi: Trẻ phòng bệnh bằng cách chủng ngừa Hib, phế cầu và não mô cầu nhóm B.

Loại ngừa Hib có trong vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Phác đồ tiêm gồm 4 mũi vào 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi.

Vaccine phế cầu có hai loại. Đầu tiên là Synflorix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, không tiêm cho trẻ trên 5 tuổi. Loại khác là Prevenar 13 (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

Vaccine ngừa não mô cầu nhóm B dành cho người từ 2 tháng đến 50 tuổi. Trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi cần tiêm hai mũi cơ bản và một mũi nhắc. Người trên 2 tuổi chỉ cần hai mũi.





Trẻ tiêm vaccine ngừa não mô cầu nhóm B tại VNVC Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Đông Hoàng

Trẻ tiêm vaccine ngừa não mô cầu nhóm B tại VNVC Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Đông Hoàng

Trẻ 6 tháng tuổi: Trẻ tiêm vaccine phòng não mô cầu nhóm BC với phác đồ hai mũi, cách nhau tối thiểu 45 ngày.

Trẻ 9 tháng tuổi: Trẻ cần chủng ngừa vaccine não mô cầu nhóm ACYW-135 và viêm não Nhật Bản.

Với vaccine phòng não mô cầu nhóm ACYW-135, trẻ từ 9 đến dưới 24 tháng tiêm hai mũi cơ bản, nhắc lại khi 15-55 tuổi. Người 2-55 tuổi tiêm một mũi cơ bản. Mũi nhắc cách mũi đầu tối thiểu 4 năm, tiêm khi 15-55 tuổi.

Mũi ngừa viêm não Nhật Bản hiện có 3 loại. Loại Imojev (Thái Lan) tiêm sớm cho trẻ lúc 9 tháng, không cần tiêm nhắc. Jevax (Việt Nam) tiêm cho trẻ từ 12 tháng, tiêm nhắc mỗi 3 năm sau phác đồ cơ bản. Jeev (Ấn Độ) tiêm cho trẻ từ 12 tháng đến người 49 tuổi, lịch tiêm nhắc tùy vào lứa tuổi và khuyến cáo tiêm chủng của mỗi quốc gia

“Cần tiêm đủ liều, đúng lịch, bao gồm mũi nhắc lại”, bác sĩ Quảng lưu ý.

Người lớn và người chăm sóc trẻ cũng cần rà soát để tiêm nhắc vaccine, tránh nguy cơ mắc bệnh và lây lan ra cộng đồng.

Vệ sinh nơi sống, chống muỗi

Virus viêm não Nhật Bản truyền sang người thông qua muỗi Culex sống ở ruộng đồng, chuồng trại. Do đó, gia đình cần xây chuồng trại xa nơi ở, phun thuốc diệt muỗi, làm lưới chống muỗi và ngủ màn, mặc quần áo dài tay.

Vi khuẩn não mô cầu, Hib, phế cầu lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi. Giọt bắn chứa mầm bệnh bám vào bề mặt bàn ghế, sàn nhà, tay nắm cửa, có thể thông qua bàn tay lây nhiễm vào cơ thể. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả gồm khử khuẩn các bề mặt, vệ sinh tay thường xuyên, tránh tiếp xúc người bệnh, đeo khẩu trang khi ở nơi đông người.





Minh họa trẻ điều trị tích cực do viêm não. Ảnh: Vecteezy

Minh họa trẻ điều trị tích cực do viêm não. Ảnh: Vecteezy

Viêm não, viêm màng não là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương. Theo ThS.BSNT Hoàng Minh Tiến, bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, sau 1-3 ngày, bệnh nhân có thể co giật, hôn mê, thở máy và tử vong. Bệnh để lại di chứng thần kinh gây giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động hoặc điếc, liệt.

Viêm màng não do Hib thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ tử vong do bệnh 5-10%, khoảng 30% có thể gặp di chứng điếc, rối loạn tâm thần.

Biểu hiện viêm não, viêm màng não không điển hình. Người bệnh có các triệu chứng sốt, nôn, mệt mỏi, dễ nhầm lẫn với viêm đường hô hấp hoặc bệnh tiêu hóa nên khó phát hiện, giảm khả năng điều trị thành công.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu bất thường ở trẻ để đưa đến cơ sở y tế kịp thời, gồm: không đáp ứng thuốc hạ sốt, nôn vọt, phát ban, cứng cổ, sợ ánh sáng, nôn cả khi no hoặc đói, li bì khó đánh thức. Gia đình không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh, suy giảm miễn dịch và gây chậm trễ, khó khăn khi điều trị cho trẻ.

Nhật Linh


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *