Cách người chơi Trung Quốc lách lệnh cấm tiền số

[ad_1]

Người chơi tiền số và thợ đào Bitcoin Trung Quốc được cho là sử dụng giao dịch ngang hàng, VPN để lách lệnh cấm của chính phủ những năm qua.

Trong 10 năm qua, chính phủ Trung Quốc liên tục siết chặt tiền số. Năm 2013, lệnh cấm giao dịch được ban hành đối với các ngân hàng, đến 2017 tiếp tục ngăn chặn các đợt phát hành token và sàn giao dịch mới. Tuy nhiên, lệnh cấm sâu rộng nhất được đưa ra năm 2021, khi người dân nước này không được khai thác tiền số.

Tuy nhiên thực tế, việc tham gia vào lĩnh vực tiền số tại Trung Quốc hiện không quá khó khăn. Nhà đầu tư có biệt danh Lowell nói với Cointelegraph cô mới tốt nghiệp đại học, đang giao dịch tiền số toàn thời gian. Cô định theo nghề nghiệp chuyên môn, nhưng sau đó đánh giá nó không thể so với lợi nhuận với tiền số.





Minh họa về người chơi tiền số Trung Quốc. Ảnh: Cointelegraph

Minh họa về người chơi tiền số. Ảnh: Cointelegraph

Sôi động dù bị cấm

Dù giao dịch và doanh nghiệp tiền số bị cấm, thị trường vẫn có các kênh cho nhà đầu tư tham gia. Lowell cho biết cô mua bán tiền số như Bitcoin thông qua giao dịch ngang hàng (P2P) trên sàn giao dịch tập trung như OKX và Binance. Những ứng dụng này không thể truy cập theo cách thông thường vì bị tường lửa ngăn lại, nhưng dễ dàng vượt qua nếu sử dụng mạng riêng ảo (VPN).

“Các token không bất hợp pháp ở Trung Quốc. Việc trao đổi chúng cũng nằm trong vùng xám”, Robin Hui Huang, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nói. “Người dân có thể giữ tiền số hoặc trao đổi. Tuy nhiên, các giao dịch này không được pháp luật bảo vệ. Nghĩa là, nếu một bên vi phạm hợp đồng, không có khuôn khổ pháp lý nào bảo vệ bên còn lại”.

Việc khai thác tiền số đã bị cấm từ 2021 nhưng vẫn được thực hiện một cách âm thầm, dù quy mô không còn lớn và công khai như trước. Theo nhà nghiên cứu Daniel Batten của ESG Bitcoin, lệnh cấm bị truyền thông thổi phồng và tạo cảm giác “nghiêm ngặt”. Còn thực tế, lệnh cấm mang ý nghĩa rằng việc khai thác nên được loại bỏ dần do sử dụng điện quá mức, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu về khí hậu và liên quan đến rửa tiền.

Sau năm 2021, số liệu về năng lực khai thác Bitcoin của Trung Quốc không còn dễ tìm, còn dữ liệu cũ đã lỗi thời. Theo tổ chức Center for Alternative Finance thuộc Đại học Cambridge và số liệu của World Population Review, Trung Quốc chiếm khoảng 21,1% hashrate – chỉ số về năng lực khai thác Bitcoin toàn cầu. Hồi tháng 7, nhà sáng lập CryptoQuant Ki Young Ju công bố một biểu đồ trên X cho thấy năng lực của các nhóm khai thác Bitcoin Trung Quốc chiếm tới 54% hashrate. Ông lưu ý, không phải tất cả thợ đào trong một nhóm đều hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh một số trang trại khai thác hoạt động bí mật để qua mặt cơ quan chức năng.

Trước đó, theo Reuters, từ tháng 1, tiền số đang quay trở lại là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người ở Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Giao dịch thông qua một số sàn tiền số lớn vẫn diễn ra sôi nổi. Chẳng hạn, Binance tuyên bố không hoạt động ở Trung Quốc đại lục, nhưng người dùng vẫn có thể tạo tài khoản nếu đặt vị trí là đảo Đài Loan.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Chainalysis về chỉ số yêu thích tiền điện tử ở 20 quốc gia lớn, Trung Quốc chiếm vị trí số 11 năm ngoái. Dù bị cấm, thị trường tiền số Trung Quốc vẫn ghi nhận giao dịch trị giá 86,4 tỷ USD giai đoạn từ tháng 7/2022 đến 6/2023. Phần lớn hoạt động “được thực hiện qua kênh phi tập trung, không chính thức, hoặc P2P”, Chainalysis cho biết trong báo cáo.

Ngoài ra, trong hồ sơ phá sản của sàn FTX công bố năm 2022, các nhà đầu tư tại Trung Quốc đại lục chiếm 8% số người dùng của nền tảng.

Tìm cách lách luật

Người chơi đều biết về lệnh cấm giao dịch, nhưng họ cũng qua mặt bằng nhiều cách. “Chúng tôi không gọi các hình thức trao đổi tiền số là giao dịch, mà sẽ thay bằng các từ ngữ khác theo cách linh động hơn”, Lowell nói.

Các kênh P2P có sẵn trên mạng xã hội hoặc sàn tiền số cho phép người dùng mua chúng bằng đồng nhân dân tệ thông qua chuyển khoản ngân hàng, WeChat Pay hoặc Alipay. OKX và Binance là hai trong số những sàn phổ biến nhất trong mạng lưới mà Lowell yêu thích. “Tôi dùng iPhone, tải hai app từ kho ứng dụng ở quốc gia khác qua VPN, bởi chúng không có sẵn ở đại lục”, Lowell nói.

Wayne Zhao, từng là CEO công ty phân tích TokenInsight, nói việc dùng VPN là “bản năng thứ hai” của người chơi tiền số Trung Quốc. “VPN là kiến thức cơ bản nếu bạn muốn truy cập Google hoặc YouTube,” ông nói. “Điều tương tự cũng áp dụng cho các nền tảng DeFi”.

Ngoài ra, theo Joshua Chu, Chủ tịch Hiệp hội Web3 Hong Kong, mạng ngang hàng P2P là tính năng được một số sàn tiền số áp dụng như “vùng xám” giao dịch, nhưng vẫn có khả năng bị các cơ quan chức năng trừng phạt.

Kiếm tiền số bằng airdrop

Bên cạnh mua bán, để có token, nhiều người tham gia vào chiến dịch farming airdrop – tức tặng tiền số cho những người tham gia sớm giúp lan tỏa dự án. Lowell nói cô đã kiếm được lợi nhuận đáng kể từ airdrop, gồm 50.000 USD từ chiến dịch ENA của Ethena và 40.000 USD từ dự án StarkNet.

Theo ba nguồn tin nói với Cointelegraph, farming airdrop ở Trung Quốc đã phát triển đến mức công nghiệp. Thay vì chỉ dùng một thiết bị, sau đó “làm nhiệm vụ” cho dự án để kiếm token, nhiều người thậm chí đầu tư hàng trăm nghìn nhân dân tệ để mua trang máy móc tiên tiến, thuê nhân viên tham gia dự án với mục tiêu nhận nhiều token nhất có thể. “Chỉ cần một vài trong 10 dự án thành công, số tiền kiếm được có thể tới hàng chục nghìn USD”, một nguồn tin chia sẻ.

“Khi mọi người nhận ra họ có thể kiếm tiền bằng smartphone hoặc máy tính, rất tự nhiên, họ sẽ nghĩ đến việc làm điều đó với hàng trăm thiết bị cùng lúc”, Zhao nói.

Nhiều nguy cơ

Bất kỳ người chơi tiền số nào ở Trung Quốc cũng luôn đứng trước nguy cơ nhận tin xấu một cách đột ngột. Doanh nghiệp cũng không được đảm bảo hoạt động. Zhao cho biết một người bạn của ông mở công ty tiền số và vận hành một thời gian. “Nhưng một ngày, công ty nhận được thông báo: ‘Xin lỗi, các bạn không thể tiếp tục công việc này. Các bạn phải đóng cửa’. Vài ngày sau, công ty đó biến mất”, ông kể.

Cũng theo Zhao, so với trước đây, việc mua bán tiền số cũng không sôi động như trước 2021. Thực tế, nhu cầu tiền số ở Trung Quốc hiện khá thấp, thể hiện ở hiệu suất giao dịch của các quỹ ETF mới ra mắt ở Hong Kong. “Khối lượng giao dịch khá thấp,” Zhao nói. “Lý do là hầu hết người muốn mua Bitcoin hoặc các loại tiền số khác ở Trung Quốc đều đã làm điều đó từ trước rồi”.

Bảo Lâm


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *