[ad_1]
MỹOld Timer, con cá voi lưng gù đực chụp ảnh lần đầu tiên năm 1972, được phát hiện tháng trước ở Alaska.
Đuôi của cá voi lưng gù có đặc điểm độc đáo giống như dấu vân tay. Thùy đuôi của chúng có nhiều gờ đặc trưng khác nhau giữa từng cá thể. Khi Adam A. Pack, nhà nghiên cứu động vật có vú ở biển tại Đại học Hawaii ở Hilo, chụp ảnh cá voi tại eo biển Frederick ở Alaska hồi tháng 7, ông lập tức nhận ra thùy đuôi của “bạn cũ”. Chiếc đuôi chủ yếu màu đen với những vệt lốm đốm màu trắng ở gần mép thuộc về con cá voi mang tên Old Timer. Được nhìn thấy lần đầu năm 1972, hiện nay Old Timer là một con đực ít nhất 53 tuổi, biến nó thành “cá voi lưng gù già nhất thế giới”, theo Pack, nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch Viện cá heo.
Từng bị suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt thương mại, quần thể cá voi lưng gù đang phục hồi trong vài thập kỷ gần đây. Nhưng loài vật này đang bị đe dọa bởi va chạm với tàu thủy, mắc lưới và biến đổi khí hậu. Pack rất lo lắng cho Old Timer.
Lần gần nhất ông trông thấy con cá voi là năm 2015 giữa đợt nắng nóng kỷ lúc kéo dài cả năm. Chim biển và động vật có vú ở biển như cá voi lưng gù, chết hàng loạt. Nhưng sau 9 năm, Pack tận mắt trông thấy Old Timer vẫn sống sót.
Theo dõi vị trí của cá voi rất khó khăn, các nhà khoa học so sánh ảnh mới chụp thùy đuôi mới với ảnh cũ. Nhưng nghiên cứu tương lai về Old Timer và những con cá voi lưng gù khác thuộc đủ độ tuổi sẽ được thúc đẩy nhờ trí tuệ nhân tạo. Pack hy vọng điều đó sẽ giúp ông tìm ra một số con cá voi có thể chịu đựng điều kiện khắc nghiệt bằng cách nào và tại sao.
Nhiều quần thể cá voi lưng gù sống ở Bắc Thái Bình Dương. Old Timer nằm trong quần thể đã trải qua mùa đông sinh sản ở vùng biển quanh Hawaii và mùa hè ở đông nam Alaska, lấp đầy bụng với cá và tôm nhỏ như nhuyễn thể. Cá voi lưng gù là chủ đề của một nghiên cứu khoa học đang diễn ra, bắt đầu vào năm 1976 khi nhà nghiên cứu động vật có vú ở biển là Louis Herman chụp ảnh cá voi và thùy đuôi đặc trưng của chúng.
Herman tiến hành khảo sát hàng năm, tích lũy bộ sưu tập ảnh chụp đuôi khổng lồ, cho phép các nhà khoa học theo dõi từng cá thể suốt cuộc đời của chúng. Số ảnh lên tới hơn 30.000 bức này cung cấp góc nhìn mới về đời sống của cá voi, từ mô hình di cư tới hành vi xã hội. “Đây là một trong những nghiên cứu khoa học về cá voi lưng gù kéo dài nhất trên thế giới”, Pack, cựu sinh viên của Herman kiêm người chỉ đạo dự án hiện nay, chia sẻ.
Nghiên cứu đang tiến vào thời kỳ học máy với sự hỗ trợ của nền tảng trực tuyến mang tên Happywhale chuyên thu thập ảnh thùy đuôi cá voi từ các nhà khoa học và người dân từ khắp nơi trên thế giới. Cơ sở dữ liệu Happywhale hiện nay bao gồm khoảng 1,1 triệu ảnh chụp của hơn 100.000 con cá voi lưng gù, theo Ted Cheeseman, nhà đồng sáng lập Happywhale kiêm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Southern Cross tại Australia. Thuật toán đối chiếu ảnh bằng trí tuệ nhân tạo giúp tự động nhận dạng cá voi trong ảnh, giúp đỡ các nhà khoa học cần tìm kiếm những lần xuất hiện trước đó của con vật.
Đầu năm nay, Cheeseman, Pack và hàng chục nhà nghiên cứu khác sử dụng công cụ nhận dạng hình ảnh của Happywhale để ước tính độ dồi dào của cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương từ năm 2002 đến năm 2021. Ban đầu, số lượng bùng nổ, tăng lên khoảng 33.500 năm 2012. Nhưng sau đó giảm đột ngột, trùng với đợt nắng nóng nghiêm trọng trên biển khi Pack trông thấy Old Timer lần cuối cùng. Đợt nắng nóng kéo dài từ năm 2014 tới năm 2016 và giảm nguồn cung cấp cá cũng như nhuyễn thể. Quần thể cá voi lưng gù ở Hawaii bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, giảm 34% từ năm 2013 đến 2021.
Pack hy vọng có thể khám phá tại sao Old Timer trong khi nhiều cá thể khác chết do thay đổi điều kiện sống với sự hỗ trợ của Happywhale. “Có thể Old Timer đã sống đủ lâu để thích nghi khi nguồn tài nguyên thức ăn hạn chế. Có bao nhiêu con cá voi như Old Timer đủ dẻo dai đối với sự tàn phá tài nguyên biển như vậy”, Pack nói.
An Khang (Theo Saltwire)
Source link