[ad_1]
Kỹ thuật buồng tiêm dưới da được sử dụng cho bệnh nhân ung thư có nguy cơ thoát mạch khi hóa trị, giảm nguy cơ hoại tử da, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Ngày 10/5, BS.CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các thuốc hóa trị dùng trong điều trị ung thư đều được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch ngoại vi (tĩnh mạch trước khuỷu tay, tĩnh mạch mặt trên bàn tay, tĩnh mạch bẹn…). Cách truyền thuốc hóa trị này thường gây tổn thương mạch máu ngoại vi, viêm xơ hóa mạch máu, ngoài ra còn có nguy cơ dẫn đến thoát mạch thuốc hóa trị do lệch vein. Bệnh nhân bị hạn chế vận động vùng chi nơi đặt vein truyền thuốc hóa trị.
Thoát mạch do hóa trị là tai biến thường gặp nhất khi truyền thuốc vào tĩnh mạch ngoại vi, có thể gây kích ứng, lở loét, hoại tử da, theo bác sĩ Khương. Một số trường hợp nặng cần phải phẫu thuật cắt lọc, tạo hình và ghép da. Mức độ tổn thương tùy vào loại thuốc hóa trị, độ cô đặc, vị trí thoát mạch và khoảng thời gian thuốc ngấm vào mô xung quanh.
Thoát mạch do hóa trị thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi do thành mạch yếu, người béo phì, phù hoặc có tổn thương ở da. Bệnh nhân ung thư gặp các vấn đề tổn thương mạch máu, dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc corticoid hoặc rối loạn ý thức (kích động, lú lẫn…) cũng dễ gặp tình trạng này.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bác sĩ thường đặt thiết bị gọi là buồng tiêm dưới da cho bệnh nhân có nguy cơ tai biến thoát mạch do hóa trị. Thiết bị này được đặt vào dưới da thành ngực để hỗ trợ tiêm truyền thuốc và dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Nó có hình dạng như chiếc nút áo blouse, cấu tạo đa phần bằng chất liệu titan, gồm có cổng buồng tiêm, ống thông. Cổng tiêm bằng silicon tự liền có thể chịu được 1.000-2.000 lần đâm kim. Buồng tim có cấu tạo cứng, chắc, góp phần bảo vệ bệnh nhân trước tác dụng phụ của thuốc hóa trị.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, Khoa Ung Bướu, cho biết nhờ có sự hỗ trợ của buồng tiêm, các thuốc hóa trị được truyền đến nơi cần thiết mà không lo tai biến như khi truyền thuốc ở tĩnh mạch ngoại vi. Việc đặt thiết bị này còn thuận tiện khi lấy máu xét nghiệm, truyền dịch, truyền dinh dưỡng… cho bệnh nhân ung thư.
Là một trong những bệnh nhân được đặt buồng tiêm dưới da, bà Tuyết, 63 tuổi, cho biết từ ngày dùng thiết bị này bà sinh hoạt thuận tiện hơn. Bà mắc ung thư hạch bạch huyết, loại Lymphoma không Hodgkin, điều trị hóa trị. Nếu truyền thuốc hóa trị qua đường tĩnh mạch ngoại vi, thuốc hóa trị có nguy cơ bị thoát ra bên ngoài mạch máu. Bệnh nhân khi truyền thuốc tĩnh mạch ngoại vi bị hạn chế vận động vùng chi nơi đặt vein. Bác sĩ đặt buồng tiêm dưới da cho bà để tránh các hạn chế trên.
Theo bác sĩ Thanh, bệnh nhân có thể cảm nhận thiết bị khi sờ qua da và khó có thể nhìn thấy. Hầu hết mọi người không biết bệnh nhân sử dụng thiết bị này, đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau đợt hóa trị đầu tiên, chân của bà Tuyết giảm khoảng 50% tình trạng phù, hạch cổ và hạch ổ bụng giảm kích thước. Sau đợt hóa trị thứ hai, kết quả siêu âm cho thấy toàn bộ hạch trên cơ thể giảm khoảng 80% kích thước, trong đó có những hạch tan (đáp ứng) hoàn toàn.
Theo phác đồ, bà cần truyền thêm 4 đợt hóa trị để hoàn tất quá trình điều trị. “Buồng tiêm dưới da của bệnh nhân được giữ trong nhiều năm nên các đợt truyền thuốc hóa trị sau vẫn an toàn”, bác sĩ Thanh nói.
Tương tự, bà Thảo, 49 tuổi, ngụ Kiên Giang, mắc bệnh ung thư vú, được phẫu thuật cắt tuyến vú và tái tạo, sau đó điều trị 16 đợt truyền hóa trị kiểm soát bệnh, ngăn nguy cơ tái phát. Nhờ được đặt buồng tiêm, truyền 10 đợt hóa trị, bà không bị đâm kim hay dò tìm các vein nhiều lần, mạch máu vẫn còn bình thường, da không bị bầm hay kích ứng.
Buồng tiêm còn được sử dụng lấy máu xét nghiệm, truyền dịch, truyền thuốc, truyền dinh dưỡng cho những bệnh nhân không thể ăn uống bằng đường miệng.
Dưới hướng dẫn của máy siêu âm, bác sĩ đặt một ống thông (catheter) vào tĩnh mạch trung tâm của bệnh nhân (có thể qua tĩnh mạch cảnh trong ở cổ hay tĩnh mạch dưới đòn ở dưới xương đòn). Bác sĩ rạch một đường dài khoảng 2-3 cm nằm ở vùng ngực cách bờ dưới xương đòn 2-3 cm để vùi buồng tiêm.
Các bước thao tác, đầu tiên bác sĩ đặt cổng buồng tiêm vào chỗ mở ở vùng thành ngực. Sau đó, tạo đường hầm để luồn catheter dưới da hướng về nền cổ hay dưới đòn vào một trong những mạch máu chính ở vùng ngực (tĩnh mạch chủ trên). Thiết bị được khâu vào cân cơ để cố định. Vết mổ được dán hoặc khâu vô trùng, sau đó băng lại để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Toàn bộ thủ thuật khoảng 30-45 phút. Bệnh nhân được cắt chỉ sau 7-10 ngày. Khi cần truyền hóa trị hoặc lấy máu xét nghiệm, điều dưỡng dùng một cây kim để đi xuyên qua da vào cổng của buồng tiêm. Các thuốc hóa trị hoặc dịch truyền chảy qua kim, đi vào cổng rồi qua ống thông đi trực tiếp vào máu.
Sau khi đặt buồng tiêm, bệnh nhân có thể hơi đỏ ở vết mổ và ấn đau nhẹ. Điều này là bình thường và các triệu chứng giảm dần sau 24-48 giờ. Trường hợp có các bất thường khác, bệnh nhân nên đến bệnh viện để hỏi ý kiến bác sĩ.
Trong vòng 3-5 ngày sau khi đặt thiết bị, bệnh nhân tránh nâng vật nặng (hơn 5 kg) hay chơi thể thao mạnh; tránh mặc áo ngực quá chật để không tạo áp lực lên buồng tiêm. Sau khi đặt thiết bị và vết mổ đã lành, bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động thường ngày.
Buồng tiêm nằm hoàn toàn dưới da nên không cần chăm sóc đặc biệt vùng da phía trên. Bệnh nhân có thể rửa vùng da này bình thường như rửa một vùng da khác trên cơ thể. Thời gian sử dụng loại titan thường khá lâu, 1-2 năm; trong khi loại bằng nhựa trước đây sử dụng chỉ 6-12 tháng.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân lấy dụng cụ này ra khi không còn cần sử dụng vì cấu tạo buồng tiêm có catheter, để lâu ngày có nguy cơ dễ đứt gãy rơi vào tim, khó lấy ra khỏi cơ thể sau này. Trường hợp đã tháo bỏ buồng tiêm, nếu bệnh nhân cần sử dụng thì vẫn có thể đặt lại buồng tiêm mới.
Nguyễn Trăm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link