Bộ trưởng Tài chính: Thuế, phí chiếm rất ít trong giá vé máy bay

[ad_1]

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thuế, phí Nhà nước thu theo quy định và chiếm rất ít trong giá vé máy bay, phần có tỷ trọng nhiều hơn là phí dịch vụ ngành giao thông quản lý.

Giá vé máy bay đã tăng 15-20% tùy chặng thời gian qua nhưng vẫn thấp hơn so với mức trần theo quy định. Một trong số lý do khiến giá vé nội địa tăng cao là thị trường hàng không thiếu máy bay làm giảm năng lực cung ứng và tỷ lệ thuế, phí các hãng hàng không thu hộ chiếm 10-30% tổng chi phí vé.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong vé máy bay được thu theo quy định và chiếm rất ít. Trong đó, Bộ Tài chính chỉ thu thuế VAT 8-10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không.

“Thuế, phí trong giá vé máy bay được mấy xu, nhiều là bao nhiêu. Chúng ta cần hiểu các loại phí mọi người nói chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay… do ngành giao thông quản lý”, ông nói.





Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hoàng Phong

Thực tế, trong cơ cấu vé máy bay, các hãng thu hộ ngân sách Nhà nước thuế VAT, khoảng 8-10%. Còn các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước.

Giá vé máy bay neo cao, ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế, cũng nhận nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổ. Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng Nhà nước cần làm rõ nguyên nhân khiến giá vé tăng cao và giải pháp để bình ổn. Bởi, giá vé cao làm giảm nhu cầu đi lại, ảnh hưởng tới việc làm ngành du lịch, khách sạn.

Ông so sánh, các đường bay độ dài tương đương ở Thái Lan thì giá vé rẻ hơn Việt Nam. Chẳng hạn, từ Bangkok đến Phuket gần 869 km, giá vé của Air Asia là 768.000 đồng, Thai JetAir 796.000 đồng, Thai Airways là 1,16 triệu đồng.

Trong khi Hà Nội – Đà Nẵng dài 757 km thì VietJet là 1,12 triệu, Vietnam Airlines 1,58 triệu đồng. “Giá vé của chúng ta rất cao so với Thái Lan”, ông nói, đề nghị có gói hỗ trợ cho hàng không để có chương trình giảm giá, hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay.





Đồ họa: Hoàng Khánh

Đồ họa: Hoàng Khánh

Ngoài ra, ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ, đưa ra các sản phẩm khuyến mãi, giúp giảm giá vé máy bay. Về lâu dài, Việt Nam cần đầu tư trung tâm bảo dưỡng máy bay, hạ chi phí dịch vụ lĩnh vực này.

Theo ông, nguyên nhân chính là ngành hàng không Việt Nam vẫn thiếu tính cạnh tranh; chi phí bảo trì, bảo dưỡng máy bay cao và thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch. “Hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch vẫn mạnh ai nấy làm, lợi ai người ấy hưởng, không chia sẻ rủi ro”, ông Sơn nói.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế, phí là ngân sách nên nhiều nước đang muốn tăng nguồn lực công thông qua nâng thuế suất. Chẳng hạn, tại hội nghị tài chính APEC vừa qua, chủ trương của Bộ trưởng Tài chính các nước là tăng sức mạnh tài chính công bằng thuế, để đối phó với già hóa dân số, dịch bệnh.

Tại Việt Nam, 4 năm qua Chính phủ đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí khoảng 200.000 tỷ đồng một năm “là đã khoan sức dân rồi”.

Trước đó, tại hội thảo bàn về hạ nhiệt giá vé máy bay mới đây, đại diện các hãng nộp cho biết họ thu đúng theo đơn giá của Nhà nước và không có khả năng tác động. Vì vậy, các hãng chỉ có thể giảm các chi phí vận hành khai thác như lao động, phục vụ máy bay.

Để giảm chi phí đầu vào, cả bốn hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) đề xuất Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm phí điều hành bay, cất hạ cánh; phí nhập khẩu nhiên liệu bay hay miễn phụ thu bay đêm.


Anh Minh – Sơn Hà

[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *