Bánh mì hình con vật khổng lồ ở Sài Gòn

[ad_1]

TP HCMBánh mì dài 60 cm, nặng gần một kg, tạo hình các con vật như cá sấu, ếch, cua ở đường Lý Thường Kiệt, quận 11 hút khách ghé mua.

Sáng 22/5, chị Nguyễn Thị Hằng, 34 tuổi, đến ngã tư đường Lý Thường Kiệt – Tân Phước mua bánh mì “khổng lồ”. Chị bị thu hút bởi hàng chục con cá sấu bằng bánh mì trước tiệm, trong tủ kính là bánh hình cua, tôm loại lớn “gần bằng chiếc balo”. Chị cho biết xem qua trên mạng xã hội nên tò mò với tạo hình các con vật. “Tôi mua về làm quà cho các con ở nhà, chắc chúng sẽ thích lắm”, chị nói.

Chủ tiệm Nguyễn Văn Khiêm, 75 tuổi, quê An Giang nói gia đình có nghề bánh mì truyền thống, đã có vài cơ sở ở TP Long Xuyên. Hai năm trước, gia đình mở thêm lò ở TP HCM, chuyên làm bánh mì khổng lồ, kích thước từ 30 đến 60 cm. Để thu hút khách hàng, tiệm nặn bánh mì hình con ếch, cá sấu, cá chép, cua, tôm, bạch tuộc.





Tiệm bánh mì với nhiều loại hình thú có kích thước lớn. Ảnh: Quỳnh Trần

Tiệm bánh mì với nhiều loại hình các con vật có kích thước lớn. Ảnh: Quỳnh Trần

2h mỗi ngày, bốn người thợ ở tiệm thức dậy để chuẩn bị nhồi bột. Bánh mì con vật vốn không có khuôn, thợ rạch các đường nét trên khối bột để tạo hình mắt, mũi, miệng, vảy… Theo chủ tiệm, công đoạn này là quan trọng nhất, quyết định thần thái sản phẩm nên đòi hỏi sự tỉ mỉ. “Kỹ thuật khó nên không dễ dàng kiếm thợ, chúng tôi phải nhờ người từ quê lên đây phụ”, ông kể.

Với bánh mì cá sấu, đường vân trên lưng được rọc bằng tấm chắn bột mỏng, mắt được làm bằng hạt đậu đen. Tương tự, với tạo hình cua, thợ phải rọc đều tay trên khối bột để khi nướng các chi tiết chân không bị lệch ngắn dài. Tùy vào óc sáng tạo của người thợ mà họ có thể tạo nhiều hình thù khác nhau, nhưng phổ biến là cá sấu, ếch, cua và tôm.





Nhân viên làm bánh mì từ sáng sớm, mỗi ngày khoảng 100 ổ hình thú. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên làm bánh mì từ sáng sớm, mỗi ngày khoảng 100 ổ hình thú. Ảnh: Quỳnh Trần

Quy trình nướng như bánh mì thông thường. Tuy nhiên, vì kích thước lớn nên mỗi mẻ nướng được 12 bánh. Trong khoảng nửa tiếng khi bánh chín, người thợ phết bơ, rắc mè lên bề mặt, trang trí cho sản phẩm.

Bánh ra lò có màu vàng đậm, nở phồng to, thơm mùi bơ và bột mì. Kích thước lớn nhất là loại cá sấu khổng lồ, dài hơn 60 cm. Bánh hình thú cỡ lớn nặng từ 500 gram đến gần một kg. “Ổ bánh mì ngon là có vỏ giòn, bên trong vị ngọt nhẹ, thoảng mùi thơm sầu riêng và cadé (nhân bơ sữa và nước cốt dừa)”, Lý Thiện Tùng, nhân viên 57 tuổi nướng bánh cho biết.

Theo chủ tiệm, bánh được làm mới mỗi ngày, bán không hết phải bỏ bởi không để được qua đêm. Họ có hai đợt nướng bánh sáng sớm và trưa, số lượng tiêu thụ bánh mì hình con vật từ 50 đến 100 chiếc. Khách đa số là người đi đám giỗ, gia đình có trẻ em hoặc giới trẻ hiếu kỳ trước hình dáng của bánh mì. Giá bánh dao động 20.000 đến 80.000 đồng, tùy theo kích cỡ.

Trong số những bánh mì hình con vật, loại cá sấu, cua, ếch cỡ nhỏ và trung bán chạy nhất. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đến tiệm đặt hàng các mẫu hình rồng, giá đắt hơn gấp rưỡi bởi chi tiết phức tạp hơn, chủ yếu là để làm quà tặng.

Anh Nguyễn Nhật Thanh Phương, 44 tuổi, chạy xe 10 km từ quận 4 sang để mua hai ổ loại trung 30 cm. Anh nói ngoài đẹp mắt, bánh mì khá đặc ruột, ăn dễ no hơn các loại khác. “Tôi chỉ mua hai ổ là đủ cho gia đình bốn người, vì tạo hình thú bắt mắt nên khi ăn thấy thú vị hơn”, anh nói.

Tiệm còn bán bánh mì thường với các loại như xíu mại, chả lụa, thịt nguội, giá trung bình 20.000 đồng một ổ. Tiệm mở từ 5 đến 23 giờ mỗi ngày, vì nằm ở ngã tư đường nên đông đúc, khách chú ý để xe sát vỉa hè khi mua bánh mì.

Ngọc Ngân – Quỳnh Trần


[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *