[ad_1]
2,5 triệu người Việt bị khiếm thính, trong đó 60% đang ở độ tuổi đi làm, song số bệnh nhân được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác còn rất thấp.
Thông tin được PGS Trần Phan Chung Thủy, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, cho biết tại hội thảo Tình hình khiếm thỉnh của trẻ em Việt Nam và tương lai các cháu, ngày 9/7 tại Hà Nội. Thế giới có khoảng 1,5 tỷ người sống chung với tình trạng mất thính lực, trong đó khoảng 60 triệu người mất thính lực nặng và sâu. Không đến 5% trong số họ được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác.
“Tỷ lệ khiếm thính bẩm sinh ở Việt Nam tương đương thế giới, tuy nhiên số lượng bệnh nhân được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác còn rất thấp”, PGS Thủy nói, dẫn chứng hằng năm có khoảng 1,4 triệu trẻ em chào đời nhưng chỉ 30% được sàng lọc thính lực sau sinh.
Hiện, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.500-2.000 trẻ mắc dị tật thính giác bẩm sinh chào đời. Trong đó, trẻ khiếm thính bẩm sinh ở Hà Nội và TP HCM chiếm khoảng 0,2%, còn Tây Nguyên 3,5%. Điếc bẩm sinh khiến hàng trăm nghìn trẻ em không thể nghe, nói. Những trẻ bị điếc nặng không thể học nói được, không thể phát triển ngôn ngữ, giao tiếp khó và bị nhiều hệ lụy về tâm lý khác như tự kỷ, cáu kỉnh, tính khí thất thường. Để có thể nghe được, bệnh nhân phải dùng máy trợ thính hoặc cấy ghép ốc tai điện tử.
Các chuyên gia cho rằng cấy ốc tai điện tử sớm sẽ giúp trẻ khiếm thính phát âm và khả năng ngôn ngữ tốt hơn, nhận thức và hiểu lời nói tốt hơn. Cùng với đó, kỹ năng phát triển tâm lý xã hội liên quan đến giao tiếp cũng tốt hơn.
Ốc tai điện tử gồm một bộ phận được cấy ở tai trong, thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị khiếm khuyết và một bộ phận xử lý âm thanh nằm bên ngoài. Điện cực ốc tai biến âm thanh thành tín hiệu điện, chuyển đến các tế bào của hạch xoắn rồi theo dây thần kinh thính giác tác động đến vỏ não, giúp nghe được âm thanh.
“Trẻ cấy ốc tai điện tử trước 12 tháng tuổi hiệu quả nghe tốt hơn rất nhiều so với trẻ cấy sau 12 tháng tuổi”, PGS Thủy nói.
Thực tế việc can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính gặp không ít khó khăn, chủ yếu do giá một chiếc ốc tai điện tử vài trăm triệu đồng, là gánh nặng cho nhiều gia đình. Hiện các thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng thính giác không được bảo hiểm y tế chi trả. Người khiếm thính khi sử dụng các thiết bị trợ thính cũng không được bất cứ bảo hiểm nào (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe…) thanh toán.
PGS Thủy cho biết thời điểm quan trọng cho việc kết nối tối ưu thần kinh thính giác diễn ra trước khi trẻ 3 tuổi. Vì vậy, trẻ bị điếc càng được tầm soát sớm và điều trị kịp thời càng có khả năng phục hồi cao. Phát hiện muộn khiến trẻ ảnh hưởng nhiều khả năng phát âm, giao tiếp so với bạn bè đồng trang lứa. Lứa tuổi cấy ốc tai điện tử an toàn nhất là trên một tuổi, khi trẻ bắt đầu hình thành ngôn ngữ, tập nói.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 có 90% trẻ sơ sinh được tầm soát nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến, trong đó có khiếm thính. Các chuyên gia kiến nghị tăng cường sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh, có nguồn tài chính hỗ trợ cho việc sàng lọc, bảo hiểm thanh toán chi phí y tế cho người khiếm thính khi sử dụng thiết bị hỗ trợ thính giác.
Lê Nga
Source link