[ad_1]
19 sinh viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM lần lượt nhập viện khi đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nghi do ngộ độc thực phẩm.
Sáng 9/5, BS.CK2 Hồ Thanh Phong, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, cho biết các sinh viên vào cấp cứu từ 22h ngày 8/5 đến rạng sáng nay. Hầu hết họ đau bụng, một số kèm nôn ói, tiêu chảy sau bữa ăn chiều.
“Không trường hợp nào biểu hiện nặng như mất nước hay tụt huyết áp”, bác sĩ nói. Hiện, tình trạng các bệnh nhân ổn định. Nghi bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, bệnh viện báo sự việc đến Sở Y tế TP HCM. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cùng cơ quan chức năng đang tiếp xúc các bệnh nhân, điều tra dịch tễ. Chưa rõ các sinh viên đã ăn những món gì.
Tuần trước, 16 học sinh của 4 trường tiểu học tại TP Thủ Đức vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu, nghi ngộ độc thực phẩm, đa số các em ăn sushi từ hàng rong bán trước cổng trường.
Thời gian qua, nhiều địa phương ghi nhận các vụ ngộ độc tập thể. Sau khi ăn cỗ có món tiết canh dê ở Thái Bình, một người đàn ông tử vong hôm 5/5, 18 người khác sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng. 560 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở TP Long Khánh, Đồng Nai, trong đó hai bệnh nhi nặng, đang điều trị tích cực tại bệnh viện.
Các chuyên gia cho rằng thời tiết nắng nóng kèm độ ẩm cao kéo dài như hiện nay là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn. Trong khi đó, nhiều người có thói quen sơ chế, nấu, bảo quản thực phẩm chưa đúng; thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu, nguy cơ ngộ độc lớn.
Người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bằng cách ăn chín, uống sôi. Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Nếu nghi ngờ thực phẩm đã hư hỏng, nhiễm bẩn, nên vứt bỏ. Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn, không để thực phẩm sống và chín gần nhau. Rửa tay sạch trước khi chế biến và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác.
Lê Phương
Source link