‘115 cần băng ca cứu thương, mô hình ép tim do Việt Nam sản xuất’

[ad_1]

Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM sử dụng băng ca chuyển bệnh, mô hình ép tim mua ở nước ngoài với chi phí rất cao, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

“Cần có nơi nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm phù hợp ngay tại Việt Nam phục vụ nhu cầu cấp cứu ngoại viện”, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM Nguyễn Duy Long nói tại lễ ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu thiết bị và công nghệ cơ khí bách khoa, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, ngày 25/7.

Chẳng hạn, khi đào tạo học viên cũng như huấn luyện cấp cứu cộng đồng, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM cần những mô hình búp bê để thực hành ép tim gần như thật, có thể kiểm soát được độ sâu của thao tác ấn tim, tần số thế nào là đúng. Những dụng cụ này ở nước ngoài có kèm thiết bị báo hiệu nếu sơ cứu sai, giúp người thực hiện có điều chỉnh thao tác phù hợp.





Cấp cứu 115 vận chuyển bệnh nhân nặng cân qua cầu thang bộ hẹp. Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM

Cấp cứu 115 vận chuyển bệnh nhân nặng cân qua cầu thang bộ hẹp. Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM

Lực lượng cấp cứu ngoài hiện trường cũng rất cần những băng ca chuyên dụng, xe trượt, nệm hơi… vận chuyển trong tình huống khó như cầu thang bộ hẹp, nơi có độ dốc cao, bệnh nhân quá nặng cân. Không ít trường hợp nhân viên cấp cứu phải cõng người bệnh, tìm cách cột chặt bệnh nhân vào cáng để di chuyển, tốn nhiều công sức lại không đảm bảo an toàn.

“Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM chỉ có một số ít sản phẩm do nước ngoài viện trợ, giá rất cao nên đấu thầu mua sắm rất khó”, bác sĩ Long nói. Trong khi đó, hiện thành phố có mạng lưới rộng khắp với 41 trạm cấp cứu vệ tinh đóng ở các bệnh viện, nhiều nơi thiếu những dụng cụ đặc thù, đảm bảo tốt chuyên môn cấp cứu.

PGS.TS Võ Tường Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị và công nghệ cơ khí bách khoa, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, khẳng định “có thể làm được” những sản phẩm theo đặt hàng của Cấp cứu 115 TP HCM. Ông kỳ vọng việc hợp tác lần này sẽ giúp trung tâm nghiên cứu, phát triển rộng rãi nhiều thiết bị, sản phẩm y tế đáp ứng được nhu cầu thực tế, phục vụ tốt hơn cho người bệnh.





Kíp cấp cứu 115 sơ cứu nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện, chiếc cáng cứu thương dùng để vận chuyển bệnh nhân cũng được đặt mua chứ chưa thể tự sản xuất trong nước. Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM

Kíp cấp cứu 115 sơ cứu nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện, chiếc cáng cứu thương dùng để vận chuyển bệnh nhân cũng được đặt mua chứ chưa thể tự sản xuất trong nước. Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM

Hồi tháng 3, UBND TP HCM phê duyệt đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN với hệ thống y tế tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao. Thành phố sẽ phát triển từ 1 thành 3 trung tâm cấp cứu, đồng thời mở thêm hai trạm cấp cứu đường thủy, đường hàng không.

Lê Phương


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *